Đề nghị tăng thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận của Quốc hội

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận của Quốc hội, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi…

Nâng cao công tác truyền thông, giúp hoạt động của Quốc hội đến gần với cử tri và nhân dân

Chiều 14/7, tiếp tục phiên họp thứ 24, sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tóm tắt về việc tổng kết Kỳ họp thứ 5 và bước đầu việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.

Trong đó, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, thống nhất với các nội dung trong báo cáo Tổng kết kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá, báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 5 đã nêu được những kết quả chính, quan trọng của kỳ họp cũng như những đổi mới, cải tiến rất hiệu quả. Tuy nhiên, cần làm nổi bật hơn về những cải tiến, đổi mới qua đó tiếp tục kế thừa và phát huy ở Kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp sau.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Cụ thể, làm nổi bật hơn việc bố trí kỳ họp khoa học hợp lý và sử dụng rất hiệu quả quỹ thời gian làm việc của kỳ họp, đã giải quyết khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Chương trình kỳ họp đã được bố trí linh hoạt và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nội dung quan trọng cần thiết để trình Quốc hội xem xét, quyết định nhưng thời gian kỳ họp không kéo dài so với dự kiến.

Tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức 2 đợt họp trực tiếp và có kết quả tốt, điều này cũng được nhiều Đại biểu Quốc hội tại địa phương đánh giá cao, đại biểu địa phương có thời gian giải quyết công việc tại địa phương; các cơ quan của Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng hơn các nội dung trình Quốc hội thông qua…

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, việc tổ chức nhiều buổi truyền hình trực tiếp trên truyền hình Quốc hội Việt Nam góp phần nâng cao công tác truyền thông, giúp hoạt động của Quốc hội đến gần với cử tri và nhân dân; người dân có thể tiếp cận nhanh và trực tiếp về diễn biến kỳ họp… Những kết quả này cần được đánh giá cô đọng và làm nổi bật trong báo cáo trở thành điểm nhấn của kỳ họp.

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ý kiến cơ bản tán thành với dự kiến nội dung trong báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu. Đồng thời, góp ý thêm về một số vấn đề liên quan đến thời gian khai mạc, thời gian nghỉ giữa hai đợt của kỳ họp, việc bố trí, sắp xếp các chương trình kỳ họp.

Về hình thức tổ chức Kỳ họp thứ 6, nhiều ý kiến thống nhất cao tiếp tục phát huy kinh nghiệm Kỳ họp thứ 5, tổ chức thành 2 đợt và thống nhất nguyên tắc, đợt 1 tập trung vào những nội dung Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua, để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện; Đợt 2 tập trung chủ yếu vào biểu quyết thông qua các luật và tiếp tục cho ý kiến lần đầu đối với các dự án luật trình Quốc hội.

 Các đại biểu dự Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu dự Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 6, Quốc hội làm việc 23,25 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 23/10/2023 (do ngày 20/10/2023 trùng vào ngày thứ 6) và bố trí 2 đợt họp theo 2 phương án. Phương án 1: Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 30/11/2023 để Kỳ họp kết thúc trong tháng 11/2023. Phương án 2: Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 7/12/2023 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.

Cho ý kiến về nội dung này, đa số ý kiến tại Phiên họp đồng tình với Phương án 1, để Kỳ họp kết thúc trong tháng 11/2023, nhằm rút ngắn thời gian kỳ họp và phù hợp, bởi theo quy định của Luật Ngân sách, Nghị quyết về ngân sách thông qua trước ngày 15/11.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 5, một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan khắc phục tình trạng chậm gửi, gửi văn bản muộn. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị tăng thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận của Quốc hội, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi…

Kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác nhân sự.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng, có trách nhiệm; Kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phát huy dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch nên đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sơ bộ, với tinh thần tổ chức tương tự như Kỳ họp thứ 5 (nếu không có gì đột xuất). Về thời gian Quốc hội không họp giữa hai đợt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bố trí tối đa một tuần làm việc, cộng với 4 ngày nghỉ cuối tuần để kịp thời gian giải quyết nhiều công việc quan trọng khác của hệ thống chính trị và các kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất trong tháng 7/2023 đăng ký các nội dung sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội chủ động rà soát, đề xuất với các tổ chức, cơ quan hữu quan về việc bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-tang-thoi-luong-truyen-hinh-truc-tiep-cac-phien-thao-luan-cua-quoc-hoi-post256256.html