Đề nghị tập trung thanh tra lĩnh vực y tế, giáo dục, huy động từ thiện

Thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan tập trung thanh tra, kiểm toán lĩnh vực nổi cộm, gây bức xúc như y tế, giáo dục, huy động từ thiện...

Đề nghị này được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc đến khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021, chiều 23/10.

Tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục…

Cơ quan thẩm tra dẫn chứng một số vụ việc điển hình như: Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt TP.HCM và tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố như Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ…

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Hồng Phong.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Hồng Phong.

Từ thực tế này, Ủy ban Tư pháp đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra đề nghị việc thanh tra, kiểm toán tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận như lĩnh vực y tế, giáo dục; việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ, phòng chống dịch hay việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

Nêu ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) ghi nhận quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước.

Song với những hạn chế chỉ ra, ông Tuấn cho rằng do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện. “Quyền lực Nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng”, đại biểu nêu quan điểm.

Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm

Trước đó, khi trình bày báo cáo trước Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết sự quyết liệt trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đã tạo bước đột phá. Cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước).

Bên cạnh những mặt tích cực, Chính phủ cũng nhìn nhận việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.

 Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Ảnh: Hồng Phong.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Ảnh: Hồng Phong.

Thống kê của Chính phủ cho thấy trong số 4.799 số việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế phải thi hành với số tiền hơn 72.000 tỷ đồng, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được hơn 4.000 tỷ và đang thi hành thu hồi hơn 34.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng thống kê có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Khẳng định tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm nhưng Chính cũng đánh giá ở nhiều lĩnh vực, tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/de-nghi-tap-trung-thanh-tra-linh-vuc-y-te-giao-duc-huy-dong-tu-thien-post1272708.html