Đề nghị tiếp tục bổ sung dự toán ngân sách 2024 cho Tòa án nhân dân

Sáng 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Phát biểu thảo luận về nội dung này, ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; các Nghị quyết số 96/2019/QH14 và một số nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã quyết nghị: Chính phủ có trách nhiệm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Tòa án nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ưu tiên bố trí kịp thời kinh phí để Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan tổ chức hiệu quả phiên tòa trực tuyến và các Đề án đã được phê duyệt.

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trong thời gian qua với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các báo cáo xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 của Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất hơn 9.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới các trụ sở. Nhưng do nguồn vốn đầu tư công của Quốc hội bố trí cho hệ thống Tòa án nhân dân bị cắt giảm nên các dự án chưa được đầu tư.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng chỉ rõ, so với dự toán đề xuất thì vốn được giao chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu, bên cạnh đó, hàng năm, căn cứ vào nội dung các Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo tổng hợp nhu cầu trang bị tài sản, bảo trì sửa chữa trụ sở làm việc của Tòa án nhân dân tối cao và nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, số kinh phí thực tế được Bộ Tài chính giao hàng năm luôn ít hơn theo kế hoạch của các Đề án.

Theo đại biểu, tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sư, hành chính ngày càng có xu hướng tăng về số lượng, tính chất ngày càng phức tạp; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan tố tụng kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Số lượng các loại vụ việc mà Tòa án các cấp phải giải quyết bình quân những năm gần đây tăng khoảng 8%/năm.

Từ đầu năm 2024 đến nay tăng thêm 39.365 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Việc giải quyết các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. Các vụ việc dân sự hành chính đảm bảo kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Các Tòa án đã tổ chức đối thoại, hòa giải các vụ việc hành chính, dân sự, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xét xử thực hiện quyền tư pháp.

Các vụ án tham nhũng kinh tế Tòa án xét xử được Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đánh giá cao, dư luận đồng tình ủng hộ. Chú trọng công tác tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng kê biên đảm bảo thu hồi tài sản nhà nước vì chiếm đoạt. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết, xét xử nghiêm minh, một số vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng mà Nhà nước và Nhân dân đang quyết tâm thực hiện.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu cho rằng, yêu cầu đặt ra với các cấp Tòa án đều phải bố trí tối thiểu 01 phòng xét xử cho từng loại án: Phòng xét xử án hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, án hôn nhân gia đình và phòng xử án thân thiện cho người chưa thành niên.

Tuy nhiên theo kết quả khảo sát, hiện nay trong hệ thống Tòa án nhân dân còn rất nhiều trụ sở được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, cá biệt có trụ sở được xây dựng từ giai đoạn chính quyền ngụy Sài Gòn như Khánh Hòa, Sóc Trăng, Tiền Giang..., đang bị xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp, thiếu phòng xét xử, hầu như các tòa án chỉ có 01 phòng xét xử chung tất cả các loại án. Vừa không đúng quy định, vừa ảnh hưởng tâm lý của cá nhân cơ quan tổ chức khi đến Tòa án để giải quyết các vụ việc khi vụ việc dân sự, hành chính đều xử chung phòng xử án hình sự.

Có những trụ sở Tòa thì vừa làm việc vừa che chống các mảng tường, trần nhà rơi vữa từng mảng nhưng không thể khắc phục vì trụ sở đã quá cũ, mất an toàn cho cán bộ, nhân dân khi đến làm việc tại tòa án và rất ảnh hưởng mỹ quan, vị thế, hình ảnh cơ quan tư pháp. Theo số liệu báo cáo của Tòa án tối cao hiện có 595 trụ sở Tòa án cấp huyện và 18 trụ sở tòa án cấp tỉnh xuống cấp nghiêm trọng cần phải nâng cấp cải tạo, đầu tư xây mới.

Vì vậy trước yêu cầu cấp bách để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội giao rất cần phải được xây mới các trụ sở tòa án nói trên.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, bổ sung đủ dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho Tòa án nhân dân tối cao trong nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2023 nhằm triển khai thực hiện 03 Đề án theo đúng tiến độ đã phê duyệt.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/de-nghi-tiep-tuc-bo-sung-du-toan-ngan-sach-2024-cho-toa-an-nhan-dan-438015.html