Đề nghị 'trả lại' quyền tự quyết room ngoại cho doanh nghiệp
Hiệp hội Ngân hàng đã lên tiếng đề nghị cần xem xét về việc bổ sung cơ chế trao quyền tự quyết về room ngoại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng.
Dự thảo Nghị định mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp đại chúng. Với các ngành kinh doanh đặc thù, có nhiều yếu tố nhạy cảm như ngân hàng, quy định được cho là đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Trong văn bản mới nhất góp ý dự thảo gửi đến Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp - nơi thực hiện thẩm định dự thảo Nghị định Luật Chứng khoán hồi tháng 9, CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đề nghị ban soạn thảo cần trả lại quyền tự quyết về room ngoại cho doanh nghiệp.
Ngân hàng là ngành đặc thù, các quy định pháp luật hiện hành cũng chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt qua một tỷ lệ nhất định chứ không quy định tỷ lệ này là cố định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định tỷ lệ nhất định trong mức room ngoại tối đa được Nhà nước quy định cho ngành ngân hàng.
CLB Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc trao quyền tự quyết room cho ngân hàng còn là cơ sở để các ngân hàng tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
“Nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ thường có mục tiêu kiếm lời đơn thuần từ chênh lệch giá cổ phiếu. Trong khi đó, nếu room này được giữ lại để bán cho đối tác chiến lược, cả ngân hàng và tất cả cổ đông đều được lợi vì các tổ chức tài chính quốc tế lớn tham gia đầu tư dài hạn sẽ giúp ngân hàng minh bạch hơn quản trị điều hành, phát triển hơn về mặt công nghệ, khách hàng, sản phẩm… Ngân hàng lợi thì cổ đông sẽ hưởng lợi, dù là cổ đông lớn hay cổ đông nhỏ. Tóm lại, mở tối đa room ngoại đối với ngân hàng thì lợi chưa thấy đâu song hại thì rõ ràng trước mắt”, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần bình luận.
Theo đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước, việc các ngân hàng để dành room là nhu cầu thiết thực. Với lĩnh vực đặc thù, Ban soạn thảo đang đưa ra phương án sẽ do luật chuyên ngành quy định.
Câu hỏi đặt ra là, hiện Luật Các Tổ chức tín dụng không có bất kỳ quy định nào về vấn đề này và nếu có sửa đổi, bổ sung cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu nghị định này được ban hành, các ngân hàng thương mại sẽ gặp lỗ hổng pháp lý lớn.
Như vậy, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cũng không có cơ sở pháp lý để khóa room ngoại theo yêu cầu của ngân hàng thương mại. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng mua hết room và ngân hàng có thể đối mặt với thiệt hại do các phương án chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được thực hiện.
Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho hay, việc xây dựng các quy định trong dự thảo được đưa ra dựa trên nguyên tắc của các bộ luật hiện hành. Song hiện nhiều quy định pháp luật đang chồng chéo, bên nào cũng có lý riêng của mình. Một trong những phương án được tính tới là với lĩnh vực đặc thù, nếu luật chuyên ngành chưa quy định thì cho một khoảng lùi để chờ hướng dẫn của luật chuyên ngành bổ sung. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong các phương án đưa ra để bàn thảo.
“Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận, xin ý kiến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác, chưa thể công bố phương án cuối cùng”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.
Trong khi các quy định pháp luật còn chồng chéo, luật chuyên ngành còn nhiều khoảng trống chưa kịp bổ sung, với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chưa nên vội vàng tước quyền định đoạt về room vào dự thảo Nghị định.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế chuyển đổi, có những ngành Chính phủ phải “động” để cho doanh nghiệp phát triển, hài hóa lợi ích các bên. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định mà Ủy ban Chứng khoán đang chủ trì soạn thảo chưa tính tới yếu tố đặc thù, đang gộp ngành ngân hàng cùng các ngành khác. "Điều này là không hợp lý, bởi ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, là mạch máu của nền kinh tế", ông Kiên nói.
Ngân hàng Nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại để điều tiết chính sách tiền tệ quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, bất cứ thay đổi nào đối với ngành này cũng cần đánh giá kỹ tác động tiêu cực trước khi ban hành.