Đề nghị trực tiếp của Thủ tướng Ukraine với Lầu Năm Góc

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 12-4 kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa của Mỹ, trong bối cảnh Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí hiện đại.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Lầu Năm Góc hôm 12-4, Thủ tướng Shmyhal cảm ơn Washington vì "sự hỗ trợ quân sự đáng kể", bao gồm gửi xe tăng Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradley và Stryker.

Ông Shmyhal khẳng định Ukraine "sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột này".

Thủ tướng Ukraine nói tiếp: "Thế nhưng, để đạt được điều đó nhanh hơn và ít thương vong hơn, Ukraine vẫn cần hỗ trợ quân sự mạnh mẽ, nhiều hệ thống phòng không hơn để giảm thiểu tác động của các cuộc không kích của Nga, cùng với nhiều pháo hạng nặng, súng cối và đạn dược. Chúng tôi cũng mong phía Mỹ xem xét lại khả năng cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa hơn".

Hồi tháng 2, giới chức Mỹ nói với phía Ukraine rằng Washington sẽ không gửi Hệ thống tên lửa cấp chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km cho Kiev vì lo ngại nguồn cung hạn chế.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, ngày 12-4. Ảnh AP

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, ngày 12-4. Ảnh AP

Theo tờ The Hill, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không bình luận về thông tin nêu trên. Tuy nhiên, ông Austin trước đây cam kết đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ để tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Bộ trưởng Austin ngày 12-4 chào đón Thủ tướng Shmyhal tới thăm Lầu Năm Góc giữa lúc các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang điều tra vụ rò rỉ hàng chục tài liệu mật trên các trang truyền thông xã hội vào tháng 3 có liên quan đến Ukraine.

Một ngày trước đó, Thủ tướng Shmyhal đã đến Canada nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp đạn dược và xe bọc thép cho chiến dịch phản công quân Nga của Kiev. Tại cuộc phỏng vấn với tờ Globe & Mail ngày 11-4, ông Shmyhal nói: "Hiện tại chúng tôi đang cần xe bọc thép hạng nặng. Và chúng tôi cần nhiều đạn dược hơn, gồm đạn cho lựu pháo và đạn cho xe tăng. Điều đó cực kỳ quan trọng đối với việc tổ chức phản công của chúng tôi".

Cũng theo tờ Globe & Mail, các lực lượng Kiev dự kiến sẽ mở chiến dịch phản kích nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng đất ở phía Đông và phía Nam Ukraine từ tay quân Nga trong "những tuần hoặc tháng sắp tới".

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: The Aviationist

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: The Aviationist

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt hơn một năm trước, Ukraine đã thúc giục Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp các máy bay chiến đấu tiên tiến để bảo vệ bầu trời của đất nước.

Tờ The Hill đưa tin một số quốc gia thuộc NATO như Slovakia và Ba Lan đã đồng ý gửi các máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô cho Ukraine. Trái lại, các nước phương Tây cho đến nay vẫn chưa gửi các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 tiên tiến hơn hỗ trợ Kiev.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không bị lay chuyển bởi cam kết gửi máy bay của Slovakia và Ba Lan. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Chúng tôi không thay đổi quan điểm về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine vào thời điểm này. Đó là quyết định có chủ quyền của chúng tôi".

Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vô cùng thận trọng trong việc chuyển giao cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể vươn tới Nga.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/de-nghi-truc-tiep-cua-thu-tuong-ukraine-voi-lau-nam-goc-20230413073249269.htm