Đề nghị Trùng Khánh tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam - TP Trùng Khánh (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị TP Trùng Khánh tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như nông, thủy sản, dệt may….
Chiều ngày 16/10, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Thương mại TP Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (TP Trùng Khánh). Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu Trùng Khánh từ ngày 12 – 16/10/2023.
Sự kiện lần này là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam và TP Trùng Khánh tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại Việt - Trung ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Đồng thời, đưa nội dung Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngành công thương giữa Cục Xúc tiến thương mại và Ủy ban thương mại TP Trùng Khánh được ký kết ngày 16/9/2022 đi vào thực tiễn.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 50 hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu của Việt Nam và 10 doanh nghiệp tiêu biểu của Trùng Khánh.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu Trùng Khánh, khẳng định các hoạt động này không chỉ góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền TP Trùng Khánh, mở thêm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên mà còn đóng góp thực chất vào việc triển khai “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định, trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc năm 2022.
Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được củng cố, tăng cường và bổ sung những định hướng chiến lược mới trong tương lai.
Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của TP Trùng Khánh - địa phương cửa ngõ quan trọng trong thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa khu vực Tây Nam, Trung Quốc với Việt Nam.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh, quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân TP Trùng Khánh có bề dày nhiều năm và không ngừng được củng cố, phát triển trong những năm gần đây. Ngay cả khi các hoạt động giao lưu trực tiếp bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Trùng Khánh vẫn nỗ lực duy trì kết nối thông qua Hội nghị giao lưu hợp tác kinh tế thương mại Trùng Khánh vào tháng 9/2022 theo hình thức trực tuyến.
Trùng Khánh cũng là địa phương Bộ Công Thương lựa chọn để thiết lập Văn phòng Xúc tiến thương mại đầu tiên tại Trung Quốc năm 2015.
Bày tỏ ủng hộ quan điểm và những đề xuất của Bộ Công Thương Việt Nam, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh Trương Quốc Trí cho biết, Trùng Khánh mong muốn phía Việt Nam cùng thúc đẩy nhiều hơn nữa để hai bên mở rộng hợp tác kinh tế thương mại thực chất, đặc biệt trong một số lĩnh vực như vận tải, chế tạo, mua bán xe năng lượng mới, lụa tơ tằm…
Trước ý kiến của lãnh đạo TP Trùng Khánh, Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác thực chất giữa doanh nghiệp hai bên trong kinh tế thương mại, nhất là khi kim ngạch thương mại Việt Nam – Trùng Khánh còn chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn (3%) trong tổng kim ngạch thương mại hai nước.
Phía Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phù hợp, có nhu cầu cùng kết nối với các doanh nghiệp Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nói chung để khai thác hiệu quả “Tuyến đường mới trên bộ trên biển”.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của Trùng Khánh có trình độ cao, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xe năng lượng mới hợp tác, đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như của Trùng Khánh để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Nhằm tiếp tục khai thác, phát huy đầy đủ những tiềm năng, nhu cầu của hai bên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị chính quyền TP Trùng Khánh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh (trái cây, thủy sản, nông sản khác, hàng dệt may,...).
Ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dược liệu mà Trùng Khánh có ưu thế. Qua đó giúp nâng cao năng lực chế biến nông sản cho Việt Nam. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc…
Đối với doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp của TP Trùng Khánh, Thứ trưởng đề nghị cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ/Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô.
Tích cực tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước như hội chợ Thương mại đầu tư quốc tế miền tây Trung Quốc tại Trùng Khánh (IFCEW), hội chợ Thực phẩm quốc tế Foodexpo, hội chợ thương mại quốc tế Viet Nam Expo... để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.
Theo thống kê của Hải quan TP Trùng Khánh, kim ngạch xuất nhập khẩu Trùng Khánh - Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,01 tỷ USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh đạt 2,03 tỷ USD, giảm 18,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Trùng Khánh đạt 973,36 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ.
Mặt hàng nông sản chủ yếu Trùng Khánh nhập khẩu từ Việt Nam 6 tháng đầu năm là sầu riêng với 52,76 triệu USD; thanh long với 15,3 triệu USD; gạo với 3,6 triệu USD.
Đến hết tháng 12/2022, có 21 doanh nghiệp Trùng Khánh đầu tư về lĩnh vực máy móc thiết bị, máy nông nghiệp, linh kiện ô tô, xe máy... triển khai tại Việt Nam, tổng giá trị đầu tư trên 569 triệu USD.