Đề nghị truy tố 2 đối tượng mạo danh trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh
Hơn 100 thí sinh đang chuẩn bị làm bài thi thì bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, bắt quả tang. Tất cả các đầu mối, trung gian nhận hồ sơ và các thí sinh tham gia thi, các giám thị được thuê coi thi đều...không biết đây là kỳ thi giả.
Ngày 24-1, Cơ quan ANĐT CATP Hà Nội cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP. Hà Nội truy tố hai bị can Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn lực Đông Dương và Nguyễn Thị Hạnh, trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, khoảng tháng 9-2017, Nguyễn Văn Thuật quen biết Nguyễn Thị Hạnh,người tự giới thiệu là cán bộ trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thuật đã chủ động đặt vấn đề nhờ Hạnh xin liên kết với trường để tuyển sinh, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu và người phụ nữ này đã nhận lời. Ngày 2-1-2018, Hạnh chuyển cho Thuật văn bản (giả mạo) trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội gửi Công ty Đông Dương với nội dung nhà trường nhất trí cho Công ty Đông Dương phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực Ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu.
Sau khi nhận được văn bản từ Hạnh, Nguyễn Văn Thuật đã gửi cho các mối quan hệ của mình để thông báo, giới thiệu về việc Công ty Đông Dương do Thuật làm giám đốc đã ký kết hợp tác được với trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội tổ chức tuyển sinh, ôn tập và thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu Châu Âu các trình độ A2, B1, B2, C1. Giấy chứng nhận ngoại ngữ này sẽ do trường ĐHNN cấp.
Bản thân Thuật biết rõ văn bản này chưa đủ điều kiện để tuyển sinh, tổ chức ôn tập và tổ chức thi cấp giấy chứng nhận ngoại ngữ hay làm việc với bất cứ người có thẩm quyền nào từ phía trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội, nhưng anh ta vẫn thực hiện tuyển sinh, ôn tập, tổ chức thi. Thuật tự đưa ra mức thu lệ phí đối với từng trình độ. Theo đó, trình độ A2 là 2, 8 triệu đồng, B1 là 5 triệu đồng, B2 là 7 triệu và C1 là 14 triệu đồng.
Sau đó, đã có 5 đầu mối do tin tưởng vào lời giới thiệu, thông báo của Thuật nên đã giới thiệu và nhận hồ sơ, tiền của nhiều cá nhân để nộp cho Thuật đăng ký nhằm mục đích hưởng tiền chênh lệnh. Các đầu mối này ngoài việc nhận hồ sơ và tiền trực tiếp từ các thí sinh, còn nhận từ nhiều đầu mối trung gian khác. Số tiền mà các trung gian thu của thí sinh dao động từ 4 triệu đồng đến 25 triệu đồng/người.
Nguyễn Văn Thuật đã nhận từ 5 đầu mối hồ sơ của 142 thí sinh và số tiền gần 600 triệu đồng, với thỏa tuận số tiền còn lại sau khi có Giấy chứng nhận đánh giá năng lực ngoại ngữ các đầu mối sẽ chuyển nốt cho Thuật.
Sau khi nhận được tiền, Thuật khai nhận đã chuyển cho Hạnh tổng cộng 350 triệu đồng, và thống nhất sẽ tổ chức cho thí sinh ôn thi vào ngày 27-1, tổ chức thi vào ngày 28-1.
Nguyễn Văn Thuật tiến hành thuê địa điểm tổ chức ôn thi, thuê giám thị coi thi; Nguyễn Thị Hạnh thực hiện việc chuẩn bị đề ôn tập, đáp án ôn tập, đề thi, chuẩn bị các thẻ Chủ tịch hội đồng thi, giám thị coi thi, giám sát coi thi và Hạnh sẽ lo Giấy chứng nhận đánh giá năng lực ngoại ngữ cấp cho các thí sinh dự thi sau khi có kết quả thi.
Đối với các tài liệu là đề ôn tập, đáp án ôn tập, đề thi, Hạnh tự biên soạn, rồi thuê người đánh máy, chỉnh sửa, làm thành các mẫu đề ôn tập kèm đáp án. Để có các thẻ Chủ tịch hội đồng thi, giám thị coi thi, giám sát coi thi, Nguyễn Thị Hạnh đã lấy biểu tượng của trường ĐHNN trên mạng và lấy danh sách những người tham gia coi thi từ Nguyễn Văn Thuật rồi thuê người làm thẻ và in màu ra.
Ngày 28-1-2018, khi 142 thí sinh đang chuẩn bị làm bài thi thì bị cơ quan Công an phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra phát hiện, bắt quả tang. Tất cả các đầu mối, trung gian nhận hồ sơ và các thí sinh tham gia thi, các giám thị được thuê coi thi đều không biết đây là kỳ thi giả Trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội do Nguyễn Văn Thuật và Nguyễn Thị Hạnh tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định bị can Nguyễn Thị Hạnh còn lừa đảo chiếm đoạt của một số giáo viên có nhu cầu thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để phục vụ công việc số tiền 112,5 triệu đồng, sau đó đưa cho họ chứng chỉ giả để về nộp cho cơ quan.
Ngoài ra, Hạnh còn nhận hàng trăm triệu đồng của các trường hợp có nhu cầu thi chứng chỉ IELTS của Hội đồng Anh. Sau đó, Hạnh đã thuê địa điểm để tổ chức thi cho một số trường hợp, rồi cấp chứng chỉ giả cho họ. Còn 20 trường hợp chưa được thi thì Hạnh bị bắt giữ.
Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức của Nguyễn Thị Hạnh cùng đồng phạm, CQĐT đã quyết định bóc tách, xử lý sau.