Đề nghị truy tố 5 cán bộ hải quan 'phù phép' tinh quặng sắt thành… xỉ
Phát hiện những sơ hở trong việc xuất khẩu tinh quặng sắt, Vũ Quốc Tuấn đã mua bán hóa đơn khống để xuất khẩu trái phép tinh quặng sắt sang Trung Quốc dưới vỏ bọc là 'xỉ'. Các cán bộ hải quan cũng tiếp tay phù phép biến tinh quặng sắt thành xỉ than.
Lợi dụng sơ hở trong xuất khẩu tinh quặng sắt để buôn lậu
VKSND tối cao đã nhận được hồ sơ và bản kết luận điều tra vụ án buôn lậu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Lào Cai). Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị VKSND tối cao truy tố 8 bị can, trong đó có 5 là cán bộ của ngành Hải quan.
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” gồm Vũ Quốc Tuấn (SN 1979, trú tại Phú Thọ); Nguyễn Thành Chung (SN 1984), Giám đốc Công ty cổ phần Diệp Bảo Anh; Nguyễn Viết Cảnh (SN 1982, trú tại xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
5 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phùng Như Tùng (SN 1979, Trưởng Trung tâm phân tích); Hoàng Duy Huân (SN 1980, cán bộ Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định Hải quan); Lê Khánh Hương (SN 1980); Phạm Chí Kiên (SN 1984, cán bộ Chi cục Kiểm định Hải quan 1, Cục kiểm định Hải quan); Lê Thị Thanh Hương (SN 1968), Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp địa chất, khoáng sản, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (gọi tắt là Viện KHĐC) thuê pháp nhân đứng tên giao dịch, lập hợp đồng, mua bán hóa đơn khống mặt hàng “xỉ” để xuất.
Đối tượng chủ mưu, điều hành hoạt động phạm tội này là Tuấn, có 2 tiền án, tiền sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và đánh bạc.
Trong quá trình làm ăn ở Lào Cai, Tuấn biết được những sơ hở trong việc xuất khẩu tinh quặng sắt nên đã tìm thuê pháp nhân đứng tên giao dịch, lập hợp đồng, mua bán hóa đơn khống để xuất khẩu trái phép tinh quặng sắt sang Trung Quốc dưới vỏ bọc là “xỉ”.
Qua tìm hiểu và các mối quan hệ xã hội, khoảng cuối năm 2017, Tuấn biết Cảnh và Chung đang điều hành Công ty cổ phần Diệp Bảo Anh, đã bàn bạc việc hợp tác làm ăn chung.
Theo thỏa thuận giữa Cảnh, Chung và Tuấn thì Tuấn sẽ lo đầu vào ở Việt Nam và đầu ra với phía đối tác Trung Quốc; Cảnh và Chung có trách nhiệm sử dụng Công ty Diệp Bảo Anh đứng tên xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.
Mỗi tấn hàng thực xuất, Chung và Cảnh sẽ được hưởng từ 10.000 đến 15.000 đồng. Khi tiến hành giao dịch và thực hiện xuất khẩu hàng hóa theo khai báo là “xỉ”, Chung và Cảnh đều biết số hàng của Công ty Diệp Bảo Anh xuất sang Trung Quốc thực tế là tinh quặng sắt, chứ không phải là “xỉ” theo tờ khai hải quan nhưng vì hám lời các đối tượng vẫn đồng ý cho Tuấn sử dụng danh nghĩa Công ty Diệp Bảo Anh để giao dịch, làm thủ tục hợp thức hàng hóa đầu vào bằng việc ký hợp đồng, hóa đơn mua bán xỉ sắt khống với một số công ty (theo sự chỉ đạo của Tuấn) để xuất khẩu trái phép tinh quặng sắt qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai sang Trung Quốc. Phi vụ làm ăn ban đầu trót lọt, mỗi đối tượng thu về 400 triệu đồng.
Để thực hiện việc buôn lậu, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Chung, Cảnh và Tuấn đã cố ý khai sai tên hàng hóa từ “tinh quặng sắt” sang “xỉ”; lập khống hồ sơ đầu vào để thực hiện hành vi buôn lậu (mặt hàng khoáng sản là quặng sắt không có tên trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 5/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về xuất khẩu khoáng sản, nên không được phép xuất khẩu).
Kết quả định giá tài sản xác định tổng giá trị định giá hàng hóa 9 tờ khai trên là 6,6 tỉ đồng; tổng khối lượng của 9 lô hàng theo tờ khai Hải quan là 6.289,480 tấn tinh quặng sắt.
Cán bộ hải quan “phù phép” tinh quặng sắt thành… xỉ
Quá trình điều tra còn làm rõ: Trong quá trình thực hiện hành vi buôn lậu, Công ty Diệp Bảo Anh đã mở 79 tờ khai xuất khẩu hàng hóa, với tên khai báo là “xỉ có thành phần chính là Fe203, SiO2,… thu được từ công nghiệp luyện thép đã được tinh chế, dạng bột”.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã tiến hành lấy 8 mẫu thuộc 7 tờ khai/79 tờ khai của Công ty Diệp Bảo Anh và gửi yêu cầu phân tích để xác định tên hàng, mã số tới Cục Kiểm định Hải quan và Chi cục Kiểm định Hải quan 1.
Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Tùng biết mẫu 1576 trưng cầu giám định là “tinh quặng sắt” nhưng đã cùng Huân tác động đến Lê Thị Thanh Hương nhằm thay đổi kết quả thành “xỉ”, trái với bản chất mặt hàng là “tinh quặng sắt”.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định việc Tùng cố ý kết luận sai bản chất mặt hàng là vì tránh “tiền hậu bất nhất” giữa 2 đơn vị trong quá trình phân tích mẫu và tránh kiện cáo, vướng mắc sau này. Hành vi phạm tội của Tùng và Huân đã gây thiệt hại về thuế cho Nhà nước là 386 triệu đồng...
Lê Khánh Hương biết mẫu 23, 103 là “tinh quặng sắt” nhưng vẫn đưa ra kết luận phân tích phân loại là “xỉ” là trái với bản chất mặt hàng là “tinh quặng sắt”.
Theo lời khai của Hương thì việc cố ý làm sai lệch kết quả mẫu 23, vì nhầm tưởng doanh nghiệp có quan hệ với Tùng và nể nang lãnh đạo. Cơ quan ANĐT xác định hành vi của Lê Khánh Hương đã gây thất thu thuế cho Nhà nước là 442 triệu đồng.
Về phần Kiên, biết rõ mẫu 23, 103 là “tinh quặng sắt” và 2 mẫu này không có mẫu nguyên khai nhưng đối tượng vẫn cố ý làm sai lệch kết quả phân tích mẫu 103 vì muốn mau chóng hoàn thành nhiệm vụ và vì nể nang lãnh đạo.
Được giao nhiệm vụ phân tích để xác định bản chất mặt hàng nhưng Lê Thị Thanh Hương không kết luận đúng bản chất mặt hàng là “tinh quặng sắt” mà thay đổi sang “xỉ”.
Việc Lê Thị Thanh Hương cố ý làm sai lệch kết quả phân tích là nhằm giữ chân đơn vị kiểm định để tiếp tục gửi yêu cầu phân tích tại Viện KHĐC. Hành vi của Lê Thị Thanh Hương đã gián tiếp gây thất thu thuế cho Nhà nước số tiền 829 triệu đồng...
Mở rộng điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng làm rõ những sai phạm đối với những tổ chức, người có liên quan đến vụ án.