Đề nghị truy tố 6 bị can liên quan sai phạm đất đại tại TP Phan Thiết
Các cán bộ lãnh đạo thành phố Phan Thiết, các cán bộ, nhân viên ngành chức năng bị truy tố về tội 'Vi phạm các quy định về quản lý đất đai' theo quy định tại Điều 229-Bộ luật Hình sự 2015.
Chiều nay (24/4), Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận xác nhận đã chuyển kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 6 bị can trong vụ sai phạm đất đai tại TP Phan Thiết. Đó là, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cùng 4 người khác liên quan bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229 - Bộ luật Hình sự 2015.
6 bị can bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị truy tố gồm: Đỗ Ngọc Điệp – nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Trần Hoàng Khôi – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Phạm Thanh Thái- nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết; Lê Hoàng Anh Tân, Nguyễn Trí và Lê Hồ Khải đều từng là chuyên viên, nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết.
Theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018, UBND TP Phan Thiết đã ra quyết định cho chuyển mục đích 132 thửa đất với tổng diện tích hơn 170.000 m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không đúng với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP Phan Thiết, trái quy định của điều 52 Luật Đất đai năm 2013.
Bị can Đỗ Ngọc Điệp là người trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích trái pháp luật, với diện tích hơn 46.000m². Bị can Trần Hoàng Khôi trực tiếp ký 100 quyết định cho phép chuyển mục đích trái pháp luật, với diện tích hơn 12,4 ha. Bị can Phạm Thanh Thái tham mưu cho lãnh đạo cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 129 thửa đất có diện tích gần 17 ha trái quy định. Các bị can Lê Hoàng Anh Tân, Nguyễn Trí và Lê Hồ Khải là những người trực tiếp thẩm định và tham mưu cho các lãnh đạo cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật.
Kết luận điều tra nêu, hành vi của 6 bị can đã làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP Phan Thiết, xáo trộn trật tự quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn và gây mất uy tín, lòng tin của nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai./.