Đề nghị truy tố Chủ tịch và nhân viên công ty KSA tự nâng giá cổ phiếu thao túng thị trường
Do cổ phiếu tính thanh khoản kém, Chủ tịch Công ty Cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận đã cùng một số nhân viên tạo giao dịch ảo, tự nâng giá cổ phiếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư số tiền hơn 8 tỷ đồng...
Ngày 26-8, Cơ quan CSĐT- Công an thành phố Hà Nội cho biết đã kết luận điều tra vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu KSA); đồng thời đề nghị Viện KSND thành phố truy tố 4 bị can về tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Các đối tượng gồm: Phạm Thị Hinh (SN 1973, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VSM và Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA)); Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Trần Hồng Ngọc (SN 1981, trú tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Trọng Hùng (SN 1979, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, tháng 9-2015, do cổ phiếu tính thanh khoản kém, nên Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận phát hành thêm hơn 67 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (trong đó hơn 56 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, 11 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược) để tăng vốn điều lệ từ hơn 373 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên tháng 4-2015.
Ngày 7-9-2015, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng trong thời hạn 90 ngày. Quá trình chào bán cổ phiếu cho các cổ động hiện hữu Hinh đứng tên mua hơn 1,2 triệu cổ phiếu, không có nhà đầu tư chiến lược mua cổ phiếu.
Tuy nhiên, để được Ủy ban chứng khoán Nhà nước công nhận kết quả chào bán thành công và chấp thuận lưu ký hơn 56 triệu cổ phần, Hinh lập danh sách phân phối cổ phiếu phát hành cho 11 cá nhân, công ty đều là người quen, thân. Sau đó, Hinh làm các thủ tục để các cá nhân và công ty này đứng tên nhận phân phối toàn bộ số cổ phiếu KSA phát hành thêm.
Ngày 19-11-2015, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có công văn chấp thuận kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty này thành công. Để hợp thức hóa việc sử dụng nguồn vốn 560 tỷ đồng phát hành cổ phiếu theo đúng phương án sử dụng vốn đã trình thì số tiền phải chuyển đến các công ty đã ký hợp đồng xây dựng các dự án của công ty KSA.
Ngày 26-11-2015, Hinh đã chỉ đạo Ngọc liên hệ với các công ty chứng khoán để mở tài khoản giao dịch chứng khoán và lưu ký số cổ phiếu được phân phối ban đầu. Sau khi lưu ký, Hinh trực tiếp quản lý 11 tài khoản chứng khoán. Đối với 11 triệu cổ phiếu còn lại, do không có nhà đầu tư mua nên HĐQT công ty KSA đã thống nhất hủy bỏ.
Tháng 10-2005, do cổ phiếu KSA thanh khoản đang thấp trên thị trường nên Hinh đã nhờ Tuấn thực hiện giao dịch chéo giữa các tài khoản do Hinh cung cấp để tăng thanh khoản, giá và giữ thị trường cho mã cổ phiếu này.
Đến tháng 12-2015, Hinh nhờ nhân viên công ty VSM và các cá nhân đứng tên mở tài khoản giao dịch chứng khoán để bắt đầu thao túng. Từ tháng 12-2015 đến tháng 7-2016, có 69 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở có liên quan đến vụ án này.
Sau khi nhận được các tài khoản từ Hinh, Tuấn và Hùng tiến hành đặt lệnh giao dịch chéo giữa các tài khoản ngay tại phòng họp của công ty VSM. Bà Hinh cũng trực tiếp giao dịch khớp lệnh mua -bán số cổ phiếu KSA.
Tạo ra các giao dịch ảo, tự nâng giá cổ phiếu KSA đã có gần 1.500 nhà đầu tư tham gia mua - bán cổ phiếu. Từ tháng 12-2015 đến tháng 7-2016, có gần 1.500 nhà đầu tư ở 54 tỉnh thành trong cả nước tham gia mua bán cổ phiếu, với tổng số mua gần 30 triệu cổ phiếu KSA (hơn 180 tỷ đồng), song bán ra được hơn 172 tỷ đồng.
Cuối tháng 6 và tháng 7-2016, cổ phiếu KSA đồng loạt giảm sàn do các công ty chứng khoán bán giải chấp để thu hồi nợ, nên việc giao dịch chéo giữa các tài khoản bị dừng.
Theo kết luận điều tra, các bị can đã sử dụng 69 tài khoản giao dịch chứng khoán của người khác để liên tục mua, bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường với mã cổ phiếu KSA, gây thiệt hại cho nhà đầu tư số tiền hơn 8 tỷ đồng. Đã có 124 nhà đầu tư và 3 công ty chứng khoán đề nghị các bị can bồi thường số tiền gần 4 tỷ đồng. Số nhà đầu tư còn lại không yêu cầu bồi thường.