Đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí cho giáo dục nghề nghiệp
Chiều 1.10, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và trẻ em. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2024 ngành đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đổi mới; Quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được tinh gọn; Công tác tuyển sinh có cải thiện với nhiều giải pháp, thu kết quả tích cực.
Chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam được cải thiện (tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu đề ra 5 bậc). Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quan tâm. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; đưa vào chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương...
Chính phủ ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo và các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Các bộ, ngành ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Cùng với việc ghi nhận kết quả, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ với khó khăn trong triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Để phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2025, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp: Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức đánh giá, tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014 - 2024) để đề xuất chỉnh sửa vào thời điểm thích hợp.
Thời gian tới, cần tăng cường sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai hình thành các trung tâm quốc gia về giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao theo vùng kinh tế.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo...
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, trong bối cảnh yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao, việc quan tâm phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, muốn giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả tốt, cần thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng phát triển giáo dục nghề nghiệp để có phương hướng, giải pháp kịp thời, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
"Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chăm chút, đầu tư và tiếp tục đổi mới, tính đến đặc thù", Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.