Đề nghị xác minh tính pháp lý về hồ sơ thương binh

Ông Võ Văn Nhân, sinh năm 1963, trú tại tổ dân phố số 6, phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái có đơn đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi thương binh, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Yên Bái tạm dừng. Ông Võ Văn Nhân trình bày: 'Tháng 8-1985, tôi nhập ngũ, biên chế về Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, Quân khu 2.

Thời điểm này, đơn vị của tôi đang làm nhiệm vụ phòng ngự chiến đấu tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang). Ngày 12-8-1986, tôi bị thương trong quá trình chiến đấu và được cấp cứu tại trạm xá của trung đoàn. Sau khi điều trị, tôi tiếp tục quay trở lại trung đoàn và sau đó được cử đi học lái xe ở Trường lái xe Quân khu 2. Tháng 11-1987, vì sức khỏe yếu, tôi được xuất ngũ. Năm 1994, tôi làm hồ sơ đề nghị xét duyệt chế độ cho đối tượng bị thương trong chiến tranh chưa được giải quyết chế độ. Hồ sơ của tôi đã được Sở LĐ,TB&XH tỉnh Yên Bái và Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tiếp nhận; tổ chức giám định y khoa với tỷ lệ thương tật 21% và cho tôi hưởng các chế độ thương tật. Đầu tháng 10-1999, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Yên Bái lại ra quyết định dừng chế độ trợ cấp của tôi. Sau khi tôi có đơn khiếu nại gửi các cấp, ngày 29-11-2000, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã có công văn số 1069/XKT khẳng định việc giải quyết chế độ chính sách cho tôi là đúng pháp luật và tôi tiếp tục được hưởng chế độ thương tật theo quy định hiện hành. Nhưng đến tháng 9-2012, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Yên Bái lại cắt chế độ của tôi với lý do: Để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ tính xác thực của giấy tờ hồ sơ gốc của cơ quan xác lập hồ sơ thương binh ban đầu theo kết luận của Bộ LĐ,TB&XH. Tôi không đồng tình với quyết định này, bởi tôi đã làm đầy đủ hồ sơ, xác nhận của các nhân chứng theo đúng quy định".

Tại Điều 6, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Quốc phòng quy định căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương thì ông Nhân có lý lịch quân nhân, quyết định phục viên, xuất ngũ, quyết định được hưởng chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, đáp ứng yêu cầu tại khoản 1. Mặc dù không có giấy chứng nhận bị thương của Trung đoàn 149, Sư đoàn 356, nhưng ông Nhân lại có giấy chứng nhận bị thương ngày 6-12-1994 của Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, đáp ứng yêu cầu tại khoản 2. Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận bị thương và công nhận đủ kiều kiện hưởng chế độ thương tật của ông Nhân là có cơ sở.

Ông Võ Văn Nhân nêu ý kiến: “Tôi đã trực tiếp tham gia chiến đấu, hy sinh xương máu ngoài chiến trường. Hiện nay tôi còn mảnh đạn trong người chưa lấy ra được, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe... Qua Báo Quân đội nhân dân, tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm xem xét, kiểm tra, xác minh tính pháp lý về hồ sơ thương binh của tôi để trả lại công bằng cho tôi”.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/theo-dau-don-thu/de-nghi-xac-minh-tinh-phap-ly-ve-ho-so-thuong-binh-583216