Đề nghị xử lý nghiêm hành vi gây khó doanh nghiệp

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, nhằm ngăn nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng thiết yếu, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM - Phan Thị Thắng khẳng định, TP. sẽ xử lý nghiêm hành vi gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Tắc nghẽn tại cửa ngỏ vào TP.

Tại cuộc họp ngày 3/8, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM thừa nhận, tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa là có một phần do những người thực thi tại chốt chặn là lực lượng tăng cường nên có nhận thức và cách áp dụng chưa nhuần nhuyễn.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP cam kết sẽ cử cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết ngay.

Theo bà Thắng, phần lớn trường hợp tắc nghẽn lưu thông hàng hóa mà doanh nghiệp gặp phải là phát sinh ngoài địa bàn, vì vậy thành phố sẽ kiến nghị Trung ương có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất.

Về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đồng chí Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các quận huyện, Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM thiết lập đầu mối phân phối hàng hóa tại từng quận huyện, đồng thời kết nối trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm để cung ứng cho khu dân cư và người dân khi có nhu cầu.

Riêng về vấn đề kiểm soát dịch bệnh tại doanh nghiệp, thành phố cũng như Bộ Y tế đã cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ kiểm tra nhanh của các doanh nghiệp được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu.

"Nếu đoàn kiểm tra của quận huyện không chấp nhận kết quả kiểm tra nhanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phản ánh, lãnh đạo thành phố sẽ xử lý nghiêm", bà Phan Thị Thắng nói.

Về các doanh nghiệp thuộc ngành hàng thiết yếu nhưng chưa được tiêm vắc-xin Covid-19, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện bố trí lịch tiêm ngay.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”. Theo đại diện các doanh nghiệp, đây chỉ là biện pháp tình thế, bởi doanh nghiệp phải gồng gánh quá nhiều khoản chi đảm bảo chuỗi sản xuất và các quy định chống dịch tại nhà máy.

Nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị UBND TP. HCM triển khai 8 giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, thành phố cần thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc, cách ly nhanh các diện nguy cơ cao ra khỏi nhà máy và bóc tách, phân lập, đánh giá nhóm đối tượng đưa vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để có thể đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất.

Thành phố kiến nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng, CDC tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng.

Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí cho doanh nghiệp.

Thành phố kiến nghị NHNN chi nhánh TP. HCM bổ sung các doanh nghiệp ngành nghề sản xuất lương thực thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay...

Các cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng đối với các loại nguyên liệu phụ phù hợp.

Chính phủ, Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện để không bị đứt gãy nguồn cung.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-nghi-xu-ly-nghiem-hanh-vi-gay-kho-doanh-nghiep-post148293.html