Đề nghị xử lý tài khoản Facebook giả lệnh truy nã của Bộ Công an để lăng mạ nhà báo
Công an TP Cần Thơ và Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý tài khoản Facebook có hành vi đăng thông tin giả mạo nhằm mục đích vu khống, xuyên tạc, lăng mạ phóng viên Báo Người Lao Động.
Ngày 5-3, Công an TP Cần Thơ, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ đã thụ lý đơn tố giác tội phạm và đơn đề nghị xử lý của nhà báo Phùng Duy Nhân (phóng viên Duy Nhân), biên tập viên ĐV.T. cùng cộng tác viên T.P.N.H. – thuộc Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực ĐBSCL; tố giác Facebook Đỗ Hằng, Facebook Như Ngọc, Facebook Bảo Ngọc, Facebook Hải Nam (có địa chỉ tại TP Cần Thơ) và Facebook Vo Thanh Van (ở Sóc Trăng)… về hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác.
Vào khoảng 9 giờ ngày 27-2, trên trang Facebook cá nhân Đỗ Hằng xuất hiện nội dung xuyên tạc, bôi nhọ cùng nhiều hình ảnh cắt ghép giấy CMND, chân dung của nhà báo Duy Nhân, người thân cùng các đồng nghiệp Đ.V.T. và T.P.N.H.
Đặc biệt, Facebook Đỗ Hằng còn làm giả logo Bộ Công an đính kèm vào bài viết cùng nội dung: "Truy tìm đối tượng bị truy nã"… cùng nhiều nội dung và bình luận mang tính chất lăng mạ vô căn cứ.
Cùng ngày, hàng loạt tài khoản Facebook khác chia sẻ lại bài của Facebook Đỗ Hằng, với nhiều bình luận xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống nhà báo Duy Nhân. Cụ thể là các tài khoản Facebook: Như Ngọc, Bảo Ngọc, Hải Nam (ở TP Cần Thơ), Vo Thanh Van (ở Sóc Trăng)…
Đến thời điểm này, bài viết với nội dung vu khống, lăng mạ nhà báo Duy Nhân trên trang Facebook Đỗ Hằng đã có đến 36 lượt chia sẻ, hàng trăm bình luận ác ý và gần 1.000 lượt thích. Đặc biệt, Facebook Như Ngọc chia sẻ rất tích cực vào các trang nhóm cộng đồng ở Cà Mau và Bạc Liêu…
Trước đó, vào ngày 18-2-2021, trên Báo Người Lao Động điện tử có đăng bài phản ánh về vụ việc Chi nhánh Bạc Liêu - Công ty Đấu giá hợp danh Nguyên Tâm bị khách hàng tố cáo không hoàn trả lại tiền đặt trước cho khách hàng 640 triệu đồng, do nhà báo Duy Nhân là tác giả bài viết.
Ngày 19-2, bà Đỗ Thị Thanh Hằng, Giám đốc Chi nhánh Bạc Liêu - Công ty Đấu giá hợp danh Nguyên Tâm có đơn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Biên tập Báo Người Lao Động… khiếu nại bài viết nêu trên.
Trong lúc Báo Người Lao Động đang thực hiện các thủ tục cần thiết để trả lời đơn khiếu nại của bà Hằng thì xuất hiện thông tin xuyên tạc, vu khống, lăng mạ nhà báo của các tài khoản Facebook trên.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), việc một tài khoản Facebook lấy hình ảnh của phóng viên Báo Người Lao Động rồi làm giả lệnh truy nã của Bộ Công an, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của phóng viên là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
"Người sử dụng hình ảnh của người khác gây ảnh hưởng xấu đến người có hình ảnh, có thể bị khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất và mức độ thực hiện hành vi. Căn cứ theo khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính số tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó" - luật sư Vũ thông tin.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Với hành vi sử dụng hình ảnh của người khác, làm xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ thì người có hình ảnh bị xâm phạm có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư Vũ nói thêm: "Ngoài ra, việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 7 năm. Không những thế, Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định việc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân, thì bị phạt tù cao nhất lên đến 7 năm hoặc phạt tiền đến 1 tỉ đồng". CA LINH