Để ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài

Đồn BP Tuy Hòa tổ chức tuyên truyền về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: LẠC HỒNG

Từ năm 2019 đến nay không phát hiện trường hợp ngư dân Phú Yên khai thác hải sản bất hợp pháp, xâm phạm vùng biển của nước ngoài. Đây là kết quả của việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, nhất là tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong năm 2020 (tính đến hết tháng 8/2020), cả nước xảy ra 57 vụ, 92 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Con số này của cùng kỳ năm 2019 là 110 vụ và 181 tàu bị bắt giữ, xử lý. Riêng Phú Yên, từ năm 2019 đến nay, không phát hiện tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, một số ngư dân của Phú Yên làm thuê (đi bạn) cho chủ tàu cá ở các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang… bị lực lượng nước ngoài bắt giữ.

Thực trạng

Theo thống kê mới nhất, Phú Yên có gần 4.099 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó có 536 chiếc từ 15m đến dưới 24m và 14 chiếc hơn 24m. Đến tháng 11/2020, số tàu cá có đủ điều kiện khai thác hải sản xa bờ (chủ yếu là câu cá ngừ đại dương) theo Quy định 48/2010/TTg là 359 chiếc. Tàu cá đã được lắp đặt thiết bị theo Nghị định 26/CP là 342 chiếc. Hầu hết số tàu cá trên tập trung ở phường 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) và phường Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa).

Nhìn chung, trong quá trình lao động sản xuất trên biển, bà con ngư dân trong tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật và có ý thức trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên vẫn còn một số ngư dân vì lợi nhuận trước mắt nên cố tình tổ chức, tham gia các hoạt động khai thác hải sản trái phép. Nổi lên là việc đánh bắt sai tuyến, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo BĐBP tỉnh, từ năm 2010-2018 có 10 trường hợp với 11 tàu cá của ngư dân Phú Yên và 111 lao động vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng tuần tra các nước Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines bắt giữ. Nguyên nhân chủ yếu là do một số ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển chồng lấn; có trường hợp thuyền trưởng cố tình vi phạm vùng biển các nước do nguồn lợi thủy sản dồi dào.

Đơn cử, ngày 13/3/2018, tàu cá PY-96418TS của ông Phạm Ngọc An do anh Huỳnh Kim Long làm thuyền trưởng và tàu cá PY-91054TS do ông Lương Công Hưng (cùng trú phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) làm chủ, kiêm thuyền trưởng, cùng 14 ngư dân đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển Philippines và bị lực lượng chức năng của nước này bắt giữ, xử lý theo luật của nước sở tại.

Đáng quan tâm, trong các vụ vi phạm có 2 tàu cá bị bắt 2 lần cùng 16 ngư dân. Đặc biệt, trong 2 năm 2016-2017, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, mà nghiêm trọng nhất là vụ 2 ngư dân Phú Yên bị lực lượng chấp pháp của Philippines bắn chết, 5 ngư dân khác bị bắt giữ, phạt tù.

Giải pháp

Để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhiều giải pháp đã được đưa ra và áp dụng; trong đó xác định cả vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước lẫn chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trực tiếp khai thác trên biển.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với BĐBP đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân; gắn thiết bị định vị, giám sát hành trình trên mỗi tàu cá; tổ chức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng hoạt động đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã tiến hành các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp với các lực lượng, chủ động phát hiện, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng có hành vi đưa phương tiện khai thác hải sản trái phép tại vùng biển của nước khác.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương, sử dụng trang bị cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong quản lý tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang bị, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng viết bản cam kết không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.

TP Tuy Hòa - thủ phủ của nghề câu cá ngừ đại dương là địa phương có số lượng tàu cá hoạt động xa bờ nhiều nhất tỉnh với hơn 300 chiếc. Thiếu tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn BP Tuy Hòa cho biết: Từ năm 2018 trở về trước, vì lợi ích trước mắt và do chưa nắm vững luật pháp nên trong quá trình hoạt động khai thác hải sản, một số thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài. Để góp phần ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, hàng năm, Đồn BP Tuy Hòa đều tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Mới nhất, ngày 17/11, tại phường Phú Đông, Đồn BP Tuy Hòa phối hợp với Phòng Tư pháp và các ban ngành có liên quan của thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tại hội nghị, thượng tá Huỳnh Văn Đính, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh giới thiệu với các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ về chủ trương, đường lối của Đảng; những nội dung cơ bản Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; Chỉ thị 689 ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; Chỉ thị 45 ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về IUU; trao đổi, cung cấp một số thông tin thời sự, những nội dung mà ngư dân quan tâm như: sự cần thiết của việc khai báo, ghi nhật ký khai thác thủy sản; phạm vi ranh giới biển giữa các nước trong khu vực và cách nhận biết…

Ngư dân Trần Văn Xê (phường 6, TP Tuy Hòa), chủ 2 tàu cá đánh bắt xa bờ cho rằng, những hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật như thế này là thiết thực và bổ ích. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản về phạm vi được phép khai thác để thuận lợi cho ngư dân. Việc lắp đặt máy định vị cho tàu cá cũng cần được thống nhất để kiểm soát dễ dàng hơn từ lúc xuất bến cho đến khi khai thác, xuất bán hải sản…

Còn ông Lương Luận, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông, chia sẻ: Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được hậu quả của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, xâm phạm vùng biển của nước ngoài. Vì khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ gây hậu quả về kinh tế mà ngư dân có thể bị lực lượng chấp pháp của nước ngoài bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, thậm chí là đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.

Vậy nên, trong thời gian qua, Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông thường xuyên tuyên truyền, vận động các chủ tàu, nhất là thuyền trưởng và các thuyền viên chấp hành nghiêm luật pháp và các quy định về hoạt động khai thác hải sản trên biển. Theo tôi, việc xử lý nghiêm đối với các thuyền trưởng, chủ tàu cố tình vi phạm ngư trường các nước như cấm khai thác xa bờ, không hỗ trợ các chế độ của Nhà nước… là thích đáng.

Bên cạnh đó, biện pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản là tái cấu trúc ngành thủy sản, tăng cường sản lượng nuôi trồng, giảm khai thác, đặc biệt là nuôi biển để ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.

Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được hậu quả của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, xâm phạm vùng biển của nước ngoài. Vì khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ gây hậu quả về kinh tế mà ngư dân có thể bị lực lượng chấp pháp của nước ngoài bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, thậm chí là đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.

Ông Lương Luận, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông

LẠC HỒNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/249638/de-ngu-dan-khong-xam-pham-vung-bien-nuoc-ngoai.html