Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 Hà Nội yêu cầu chứng minh 'cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi nguời'
Sáng 17-7, gần 89.000 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đã hoàn tất môn thi đầu tiên: môn Văn với thời gian làm bài là120 phút.
Sáng nay thời tiết khá nắng nóng nên phần nào gây khó khăn cho thí sinh. Tuy nhiên, ra khỏi phòng thi, thí sinh rất vui vẻ vì đề thi thú vị, vừa sức.
Dự thi ở điểm trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thí sinh Trần Thanh Tú, học sinh trường dân lập Lương Thế Vinh cho biết, dù không ngờ đề thi rơi vào tác phẩm “Viếng Lăng Bác”, một tác phẩm thuộc dạng dễ học trong chương trình, nhưng em làm bài khá tốt, dự đoán được 8 điểm. Các thí sinh ra khỏi phòng thi đều thể hiện sự thoải mái, phấn khởi.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung kiến thức đề thi sẽ giảm tải nhằm giảm áp lực cho học sinh sau 3 tháng nghỉ học phòng chống Covid-19. Vì vậy, đề thi Văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay được đánh giá là vừa phải.
Nhận xét về đề Văn, cô Đỗ Khánh Phượng – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục học mãi - nhận định, đề thi vẫn có cấu trúc quen thuộc với 2 phần, 1 phần thơ kết hợp với nghị luận văn học và 1 phần văn xuôi kết hợp với nghị luận xã hội. Đề sẽ gây bất ngờ với một số giáo viên bởi tác phẩm “Viếng lăng Bác” thuộc chương trình Ngữ văn 9 kỳ 2 trong khi phần lớn giáo viên đánh giá đề sẽ rơi vào kỳ 1 do dịch Covid-19.
Đây là một tác phẩm trọng tâm trong kỳ thi học kỳ Ngữ văn 9 kỳ 2 nên cũng sẽ không gây khó khăn cho học sinh và không thuộc phần tinh giản. Yêu cầu Tiếng Việt hướng vào phép nối và thành phần tình thái cũng là những yêu cầu đơn giản mà học sinh có thể dễ dàng thực hiện. Câu liên hệ với một tác phẩm khác có cùng đề tài cũng không gây khó dễ cho học sinh. Phần này 6,5 điểm.
Phần 2 của đề thi (3,5 điểm) là một văn bản thuộc phần bài tập trong sách Ngữ văn 9 tập 1. Với những câu hỏi đọc hiểu cơ bản, tuy nhiên có một chút mới mẻ ở phần nghị luận xã hội khi đưa ra một vấn đề dưới dạng một nhận định “Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi người”.
Theo nhận xét của cô, đề thi năm nay an toàn, đảm bảo kiến thức cơ bản, giảm bớt yếu tố học thuộc khi không yêu cầu học sinh chép thơ. Phổ điểm học sinh có thể đạt được là 6 - 7 điểm, thậm chí học sinh dễ dàng đạt điểm cao hơn.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cũng cho biết, đề thi Văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc như đề thi năm trước với hai phần. Phần I kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản "Viếng lăng Bác" - bài thơ các em được học trong chương trình học kỳ 2, khi trở lại học sau đợt nghỉ dịch Covid - 19.
Phần II là một câu chuyện ngắn trích trong sách Ngữ văn 9 và yêu cầu nghị luận về mối quan hệ giữa cách ứng xử và nhân cách của con người. Nội dung kiến thức đề ra nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Không có câu hỏi nào nằm trong phần giảm tải kiến thức mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Với cấu trúc quen thuộc, các câu hỏi vào những phần kiến thức các em mới được học, ôn, những học sinh có quá trình ôn tập chu đáo, kỹ năng làm bài thành thạo sẽ hoàn thành tốt đề thi này. Phổ điểm chủ yếu sẽ rơi vào khoảng 6-7 điểm.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Liên cấp Wellspring, Hà Nội cho rằng, đề thi Văn năm nay cơ bản và vừa sức với học sinh, kiểm tra toàn diện kiến thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Với đề này, học sinh đã ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô trên lớp sẽ làm được phổ điểm từ 6-7,5 là có thể đạt được.
Phần I kiểm tra về "Viếng Lăng Bác' với những câu hỏi cơ bản kiểm tra kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, biện pháp tu từ; nghị luận về khổ 3 bài thơ câu hỏi liên hệ đến tác phẩm viết về Bác.
Phần II, ngữ liệu nằm trong sách giáo khoa Văn 9 quen thuộc. Câu hỏi nghị luận đưa ra ý kiến thuộc vấn đề tư tưởng đạo lý, học sinh cần đi theo các thao tác nghị luận giải thích và chứng minh vì sao “cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi người”, đồng thời liên hệ và đưa dẫn chứng thuyết phục.
Để được trên 8 điểm, học sinh cần diễn đạt trôi chảy, cảm thụ tốt vấn đề, thể hiện hiểu biết xã hội sâu sắc.