Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Giá thịt lợn giảm sâu một thời gian dài khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề. Gần đây, giá thịt lợn đang có xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, với mức tăng như hiện nay, người chăn nuôi vẫn phải bù lỗ...

Người nuôi lợn vẫn chưa yên tâm tái đàn.

Người nuôi lợn vẫn chưa yên tâm tái đàn.

Giá tăng nhưng vẫn lỗ

Giá thịt lợn hơi bắt đầu có xu hướng nhích lên, hiện đang dao động từ quanh mức 52-55.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 4. Cụ thể, ghi nhận tại Đồng Nai ngày 25/4, giá thịt lợn hơi ở mức 51- 53.000 đồng/kg; tại Bình Dương có mức 52-54.000 đồng/kg; các địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu long như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre có giá cao nhất 55.000 đồng/kg. Tại khu vực Tây Nguyên cũng ghi nhận 55.000 đồng/kg. Cá biệt giá thịt heo của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam có mức 56,5.000 đồng/kg.

Lý giải về tình trạng giá thịt lợn hơi tăng, TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, đây là diễn biến bình thường của thị trường, do nhu cầu của người dân tăng lên. Đặc biệt đây là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch thúc đẩy cầu.

Tuy nhiên, mức tăng này cũng không đáng kể. Với mức giá này, hộ chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi cá thể vẫn chưa thể yên tâm tái đàn. Bà Trần Thị Hòa, chủ hộ chăn nuôi lợn tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng đàn lợn nhà bà có 50 con. Với mức giá thịt lợn hơi từ 52 -55.000 đồng/kg, gia đình bà phải bù lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Chỉ phải bù lỗ mức đó là vì gia đình bà còn tận dụng được một nguồn thức ăn trong vườn cũng như chi phí nhân công của gia đình cũng tự túc, nếu không bù lỗ sẽ đội lên không dưới 10.000 đồng/kg.

Theo bà Hòa, suốt 3 năm nay, gia đình bà vẫn phải bù lỗ cho chăn nuôi heo. “So với trước, đàn lợn của gia đình đã giảm đi còn một nửa. Lỗ như vậy nhưng tôi vẫn phải duy trì chăn nuôi. Mong thời gian tới, chăn nuôi sẽ ổn định hơn” - bà Hòa chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước) xác nhận, giá heo hơi khoảng 2 tuần nay có tăng nhưng mức độ tăng còn thấp, chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân là người dân còn thắt chặt chi tiêu nên sức mua yếu. Bên cạnh đó còn do nguyên nhân thịt ngoại nhập nhiều, giá rẻ, nên thịt lợn trong nước khó cạnh tranh. Theo ông Công, với mức bán ra như hiện nay, trung bình người chăn nuôi còn bù lỗ 12.000 đồng/kg.

Cần quy hoạch bài bản

Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn hơi được dự báo sẽ khởi sắc, do nhu cầu tăng lên, nhất là kinh tế trong nước cũng như thế giới có diễn biến tăng trưởng. Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vẫn khuyến cáo, người chăn nuôi nên duy trì lượng đàn vừa phải, không phải vì giá có xu hướng tăng mà ồ ạt tăng đàn. Cần nghiên cứu kỹ thị trường, tránh tình trạng khi giá cao không bán, khi giá có dấu hiệu xuống thì tranh nhau bán, khiến thị trường lao dốc không phanh. Đặc biệt là cần phải thay đổi cách thức sản xuất, hạn chế việc sản xuất riêng lẻ mà cần liên kết thành một tập thể cùng sản xuất và tiêu thụ, chắc chắn lúc ấy chi phí sẽ giảm đi và giá bán ra sẽ ổn định hơn. Ông Công đưa ví dụ một gia đình mua 1 tạ thức ăn thường có giá cao hơn 10 gia đình hợp tác lại mua 1 tấn thức ăn/lần, điều này cũng tương tự đối với doanh nghiệp. “Vấn đề thức ăn cho gia súc chỉ là 1 khâu trong hệ thống chi phí mà nó còn nhiều loại chi phí nữa như: kiểm soát dịch bệnh, nhân công, chuồng trại, vận chuyển, tìm kiếm thị trường… nếu liên kết tốt, giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống, người chăn nuôi sẽ có lãi hơn” - ông Công chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Xuân Dương, cần phải đánh giá được nhu cầu tiêu thụ trong nước, dự đoán được nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài; chi phí cho việc tái đàn và duy trì đàn. Ông Dương đánh giá, thời gian qua ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng gặp nhiều khó khăn, Nhà nước cần điều chỉnh lại việc quy hoạch ngành, quy hoạch thị trường cũng như mức độ điều chỉnh việc nhập khẩu từ nước ngoài; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải tính đến việc xuất khẩu, bởi nước ta là nước nông nghiệp, chăn nuôi nhưng chúng ta chưa phát huy được thế mạnh của mình.

“Nếu không xuất khẩu, sản phẩm làm ra sẽ dư thừa, câu chuyện thua lỗ, vẫn chưa được giải quyết” - ông Dương nói và chia sẻ thêm, đời sống của người chăn nuôi trong khoảng vài năm nay là cực kỳ khó khăn do giá cả sản phẩm xuống thấp. Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại tăng gần gấp đôi, chẳng hạn như ngô hiện có giá 8.000-9.000 đồng/kg. Vì vậy, ông Dương đề nghị, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. “Bên cạnh việc quy hoạch lại ngành, điều tiết nhập khẩu, Nhà nước cần hỗ trợ nhà sản xuất về vốn, với lãi suất ưu đãi để duy trì, tái đàn. Cùng với quỹ đất để chăn nuôi, hiện tại ở một số địa phương, không ít nơi phải di dời để phát triển các công trình công cộng, hoặc di dời ra xa khu dân cư nhưng chưa bố trí quỹ đất cho nhà chăn nuôi” - ông Dương băn khoăn.

“Thời gian qua, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng gặp nhiều khó khăn, Nhà nước cần điều chỉnh lại việc quy hoạch ngành, quy hoạch thị trường cũng như mức độ điều chỉnh việc nhập khẩu từ nước ngoài; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải tính đến việc xuất khẩu, bởi nước ta là nước nông nghiệp, chăn nuôi nhưng chúng ta chưa phát huy được thế mạnh của mình” - TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-nguoi-chan-nuoi-yen-tam-tai-dan-5716251.html