Để người có uy tín vơi bớt khó khăn

Mặc dù đã có các chính sách quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, như không ít người có uy tín trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong cuộc sống. Một số chi phí cho hoạt động tại cơ sở tác động không nhỏ đến thu nhập của họ, nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ…

Ông Đỗ Văn Quyền (người có uy tín ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) là người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu.

Ông Đỗ Văn Quyền (người có uy tín ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) là người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, người có uy tín gồm 2 nhóm. Nhóm 1 là những người tham gia các thiết chế quản lý ở xóm, bản kiêm nhiệm làm người có uy tín; nhóm 2 là những người không tham gia thiết chế quản lý ở xóm, bản, đơn thuần chỉ là có ảnh hưởng với cộng đồng, được suy tôn làm người có uy tín.

Với nhóm 1, trong trường hợp họ là bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm thì có phụ cấp. Trong điều kiện địa hình miền núi đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, phương thức liên lạc bằng điện thoại được nhiều người có uy tín lựa chọn, nhưng mỗi tháng cũng “ngốn” vài trăm nghìn đồng tiền điện thoại trong số tiền phụ cấp ít ỏi.

Còn những người có uy tín thuộc nhóm 2 không có phụ cấp. Toàn bộ chi phí xăng xe, điện thoại… họ phải tự bỏ ra. Nếu họ không có lương hưu, hoặc điều kiện gia đình khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Theo chính sách hiện hành, người có uy tín được hưởng một số chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, tết của đồng bào các DTTS; thăm hỏi, hỗ trợ khi bị ốm đau hoặc gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn.

Tuy vậy, mức thăm hỏi, tặng quà… do địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách quy định. Thế nên, với những địa bàn rộng, dân cư thưa nhưng nghèo, khó khăn về ngân sách thì chưa chắc người có uy tín được nhận chế độ hỗ trợ cao hơn địa bàn khác, trong khi rõ ràng họ mất nhiều công sức, thời gian bám nắm địa bàn hơn...

Tại huyện Đồng Hỷ, trong số 90 người có uy tín thuộc các xóm ở 14 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có 19 người thuộc nhóm 1 có phụ cấp trách nhiệm hằng tháng; 8 người là có lương hưu và người trẻ nhất là 44 tuổi, người cao tuổi nhất là 77. Như vậy, có đến 70% người có uy tín không có thu nhập, phụ cấp hằng tháng, lại ở các khu vực dân cư không tập trung, khó khăn, nên có phần ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Còn ở huyện Định Hóa, trong số 228 người có uy tín thì có trên 46% thuộc nhóm 2, nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều chi phí như cước điện thoại hằng tháng, đi lại đến nhà dân trong địa bàn rộng…

Thực tế này cho thấy, nếu "tích hợp" người có uy tín là bí thư chi bộ, trưởng xóm, hoặc chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thì có phụ cấp trách nhiệm theo quy định và có thêm động lực cho họ cống hiến.

Trong tổ chức bộ máy Nhà nước, xã, phường là cấp cơ sở nhưng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều vấn đề được giải quyết ở xóm, bản. Không nắm được xóm, bản và người có uy tín ở đó là không nắm được dân. Trên vai mỗi người có uy tín vùng dân tộc thiểu số đang gánh vác nhiều trách nhiệm và kỳ vọng, vì họ là một đầu mối của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Họ còn là niềm trông đợi, điểm tựa tinh thần của người dân.

Chính vì vậy, đánh giá đúng vị trí, vai trò, chức năng của người có uy tín, đồng thời có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế sẽ góp phần rất quan trong vào việc tạo điều kiện để họ phát huy hơn nữa khả năng đóng góp cho vùng dân tộc thiểu số.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202407/de-nguoi-co-uy-tin-voi-bot-kho-khan-2dd2209/