Để người dân Tây Nguyên an cư, lạc nghiệp
Hưởng ứng phong trào thi đua 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến hết năm 2025' của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực triển khai các kế hoạch để hoàn thành các mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2025.
Nhà mới, niềm vui mới
Những ngày đầu Xuân, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk - Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk trở lại thăm gia đình ông Y Phok Hra và bà H Chăn Knul (trú tại buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Trong căn nhà còn thơm mùi vữa mới xây, vợ chồng ông Y Phok Hra và bà H Chăn Knul niềm nở đón khách và tự hào khoe: "Tết vừa qua là cái Tết thật ấm cúng đối với vợ chồng nhà già. Niềm mơ ước có được căn nhà mới, khang trang để ở đến hơn nửa đời người mới có được nên già vui lắm!".

Niềm vui của gia đình anh A Sôi trong ngày đón nhận căn nhà mới do Ban Thanh niên Công an tỉnh Kon Tum trao tặng.
Đại úy Y Hán Hwing, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk - Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, vợ chồng già Y Phok Hra và H Chăn Knul có hoàn cảnh hết sức khó khăn. "Cả hai thường xuyên đau ốm nên hơn nửa đời người vợ chồng già vẫn phải sống trong căn nhà ván tạm bợ. Mơ ước có được căn nhà kiên cố trở nên quá xa vời. Thấu hiểu nỗi niềm đó, trong năm 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm cùng sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ xây dựng nhà Đại đoàn kết, trao tặng cho gia đình. Ngôi nhà Đại đoàn kết không chỉ thể hiện tình cảm quân dân giữa vùng biên Tổ quốc, mà còn thỏa ước mơ an cư của đôi vợ chồng già ở buôn Đrang Phốk", Đại úy Y Hán Hwing cho hay.
Còn tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, những ngày qua, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã thay phiên nhau xuống địa bàn để hỗ trợ ngày công cho 3 gia đình được lựa chọn xây dựng nhà mới trong chương trình "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" và kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Anh Đinh Văn Đăng (SN 1984, trú tại làng Hrak, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang), một trong ba hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà mới chia sẻ, gia đình anh thuộc diện khó khăn trong làng. Nhà có 8 người sinh sống, đất canh tác không có nên quanh năm chỉ biết làm thuê, cuốc mướn. "Nhiều năm qua, cả gia đình phải sinh sống trong căn nhà chật chội, dột nát. Niềm mơ ước có được căn nhà đàng hoàng để ở trở nên quá xa vời. Vừa qua, gia đình được địa phương quan tâm, đưa vào danh sách được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tôi rất vui. Mấy ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Công an cũng đã đến hỗ trợ di chuyển vật dụng, đồ dùng của gia đình và tháo dỡ ngôi nhà cũ nên mọi việc tiến hành rất nhanh chóng. Cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của lực lượng Công an rất nhiều", anh Đinh Văn Đăng chia sẻ.
Cũng như gia đình anh Đăng, gia đình anh Hoanh (SN 1970, trú cùng làng) cũng đang tất bật chuẩn bị cho ngày khởi công xây dựng căn nhà mới. Không giấu được niềm vui, anh Hoanh cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trong làng. Công việc không ổn định, bản thân anh phải nuôi mẹ già thường xuyên đau ốm nên nhiều năm qua, việc có được căn nhà đàng hoàng để ở rất xa vời đối với bản thân anh. "Những ngày qua, nhờ sợ hỗ trợ của các cô chú Công an mà việc di chuyển đồ đạc, tháo dỡ căn nhà cũ diễn ra rất nhanh chóng. Niềm mơ ước của gia đình bấy lâu nay sẽ thành hiện thực trong nay mai. Xin gửi lời cảm ơn rất nhiều đến sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền, nhất là những CBCS Công an dành cho gia đình", anh Hoanh nói.
Trở lại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum để thăm lại gia đình anh A Sôi (trú tại xã Đắk Na), một trong những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vừa được Ban Thanh niên Công an tỉnh Kon Tum trao tặng căn nhà "Mái ấm tình thương" vào đầu năm mới. Đón chúng tôi trong niềm vui, anh A Sôi không khởi tự hào khoe trong niềm hạnh phúc: "Tết năm nay, gia đình đón Tết trong không khí vui vẻ, ấm cúng. Bởi đây là cái tết đầu tiên cả gia đình được ở trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố như thế này".
Tương tự, hộ gia đình anh A Vọi (trú tại xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) là một trong những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vừa được hỗ trợ xây dựng căn nhà khang trang có diện tích 75m2 với tổng giá trị 100.000.000 đồng. Căn nhà được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị đồng hành cùng Ban Thanh niên Công an tỉnh Kon Tum và số tiền tích góp của gia đình.
Không giấu được niềm vui trong ngày khánh thành và bàn giao công trình "Mái ấm thanh niên", anh A Vọi bày tỏ sự xúc động cho hay, quảng đời còn lại anh không nghĩ mình lại được ở trong căn nhà mới khang trang như vậy. Giờ đây, niềm mơ ước đã trở thành hiện thực.
Đại úy Trần Khánh Duy, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Kon Tum cho biết, từ tháng 9/2024 đến nay, hưởng ứng đợt phát động phong trào thi đua đặc biệt "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh, Ban Thanh niên Công an tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng, bàn giao nhiều công trình "Mái ấm thanh niên", đồng thời vận động, kêu gọi 100% đoàn viên, thanh niên đóng góp 1 ngày lương chung tay xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân, thanh niên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu tại hai tỉnh Cao Bằng và Gia Lai.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến hết năm 2025", đến hết tháng 12/2024, trên địa bàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa được 5.649 căn nhà cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 284,605 tỷ đồng. Qua rà soát, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk còn 7.468 hộ có khó khăn về nhà ở có nhu cầu làm mới hoặc sửa chữa. "Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, đến nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo ở 3 cấp, đồng thời đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Ban chỉ đạo các cấp. Kết quả, tỉnh đã vận động được hơn 101 tỷ đồng để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát", Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thông tin.
Tại tỉnh Lâm Đồng, trong 2 năm 2024 - 2025, tỉnh dự kiến hỗ trợ 1.813 căn nhà, trong đó xây mới 1.460 căn, sửa chữa 353 căn với tổng kinh phí thực hiện hơn 81 tỷ đồng. Tính đến ngày 5/2/2025, các huyện, thành phố trên địa bàn đã tiến hành triển khai thực hiện xây mới và sửa chữa 1.038 căn nhà với tổng kinh phí thực hiện hơn 47 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đắk Nông cũng đang tích cực triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa được hơn 1.210 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách có công, hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 86 tỷ đồng…
Theo lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên là vùng đất có địa hình rộng lớn, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các buôn làng xa trung tâm. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng.
Với quyết tâm "Không ai bị bỏ lại phía sau", đặc biệt, với tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều", các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực huy động, vận động các nguồn, đặc biệt từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2025.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/de-nguoi-dan-tay-nguyen-an-cu-lac-nghiep-i759888/