Để người mù tự tin vươn lên trong cuộc sống
Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của HNM tỉnh được các cấp khen thưởng. Ảnh: KIM CHI
Dù có khó khăn đến đâu, nhưng nếu nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện, cộng với nghị lực của bản thân, người mù cũng có thể làm được nhiều việc như những người bình thường trong xã hội.
Từ các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua, Hội Người mù (HNM) tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới tiêu biểu được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.
Đào tạo nghề cho người mù
Ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch HNM tỉnh, cho biết: Hiện nay, số hội viên HNM trong độ tuổi lao động thấp (240/1.060 hội viên); trong đó, 133/240 hội viên ngoài khuyết tật về mắt còn khuyết tật vận động, trí tuệ và nhiều dạng tật khác. Đời sống của hầu hết người mù gặp rất nhiều trở ngại, hoàn cảnh gia đình mỗi hội viên khác nhau… Vì vậy, công tác vận động, định hướng nghề, tạo việc làm đối với người mù thực sự khó khăn. Nghề xoa bóp ấn huyệt là nghề chính, nghề mũi nhọn của người mù. Tuy nhiên, 5 năm qua, tại Phú Yên số lượng đăng ký tham gia các khóa đào tạo nghề này không nhiều. Một số hội viên bằng kinh nghiệm, bản lĩnh, năng lực đã thành công với nghề, giúp đỡ gia đình, được cộng đồng ghi nhận và giúp đỡ được nhiều người đồng tật khác.
Chị Trần Thị Hấn, hội viên HNM TX Đông Hòa, chia sẻ: “Trước khi được học nghề, tôi chỉ biết làm một số công việc nội trợ giúp đỡ gia đình, mọi chi tiêu cá nhân phải dựa vào tiền trợ cấp và gia đình giúp đỡ. Từ khi tham gia học nghề xoa bóp ấn huyệt, cuộc đời tôi đã thay đổi, như có ánh sáng. Tôi có việc làm tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình”. Hay chị Huỳnh Công Hạnh, hội viên HNM TP Tuy Hòa, lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ là người khiếm thị, cha mất sớm, cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, chị đã mạnh dạn bước ra xã hội, học chữ Brailler, học nghề xoa bóp ấn huyệt. Sau khi tích lũy kinh nghiệm ở nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh, chị quyết tâm thành lập cơ sở massage người khiếm thị tại Tuy Hòa. Thời gian đầu gặp rất nhiều thách thức nhưng chị đã dần vượt qua khó khăn. Hiện nay, cơ sở massage của chị có 8 kỹ thuật viên làm việc liên tục, thu nhập ổn định 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều hội viên khác như Trần Văn Chỉnh, Huỳnh Chánh, Phan Thanh Quan, Võ Thị Thủy (huyện Tuy An), Trần Văn Chức, Lê Văn Sinh (TX Sông Cầu), Phan Thị Trúc (huyện Phú Hòa), Nguyễn Thanh Giao (huyện Tây Hòa)…, sau khi tham gia học nghề xoa bóp ấn huyệt, đều đã và đang hành nghề ở các cơ sở massage tại địa phương, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Một số người mù còn trở thành lao động chính của gia đình.
Phát huy vai trò “đầu tàu”
Cũng theo ông Hoàng Tự Điển, một trong những yếu tố quan trọng giúp HNM hoạt động chất lượng, hiệu quả là phát huy người đứng đầu. Điển hình, HNM huyện Tuy An, Chủ tịch Đặng Đình Thi là người tâm huyết với hội, có năng lực quản lý, đồng cảm với người mù, luôn biết khắc phục khó khăn, cùng ban chấp hành xây dựng tổ chức hội phát triển vững mạnh trên mọi mặt, cuộc sống người mù được cải thiện đáng kể.
Một số địa phương khác, HNM nhận được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền, hoạt động đạt được kết quả cao trên nhiều mặt, như HNM huyện Tây Hòa, TP Tuy Hòa… Hàng năm, hội không chỉ điều tra nắm chắc đối tượng, thực hiện chính sách an sinh xã hội mà còn kết nối, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp người mù nâng cao giá trị cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Ông Trần Phước Sanh Tây, Chủ tịch HNM huyện Tây Hòa là thành viên nhóm thiện nguyện Nụ cười hạnh phúc. Ông Tây rất tâm huyết, nhiệt tình, thường xuyên kết nối cộng đồng, phát huy sức mạnh đoàn kết, vận động hỗ trợ chia sẻ khó khăn không chỉ với người mù mà còn giúp đỡ hàng trăm người khuyết tật khác trên địa bàn tỉnh. Hay nhóm văn nghệ người khiếm thị do chị Trần Thị Như Hằng, Phó Chủ tịch HNM TP Tuy Hòa làm trưởng nhóm, thường xuyên tham gia phong trào văn hóa văn nghệ, khuyến khích hội viên phát triển năng khiếu âm nhạc... Từ đó giúp nhiều hội viên kết nối cộng đồng, tự hòa nhập với mọi người xung quanh và tự tin trong cuộc sống. Cũng nhờ vậy mà ngày càng có thêm nhiều tổ chức, cá nhân từ thiện chung tay giúp đỡ người khiếm thị.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, HNM tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động; tiếp tục quán triệt sự chỉ đạo của địa phương và hội cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, tất cả vì mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ người mù.