Để người trẻ lọc 'rác' văn hóa trên TikTok
TikTok liên tục xuất hiện 'nhạc rác', nội dung bẩn và điều khiến mọi người lo lắng là nhiều người trẻ vẫn vô tư tiếp tay cho vấn nạn này.
Thời gian gần đây, liên tiếp những bản nhạc và hình ảnh chế xuất hiện trên nền tảng TikTok gây bức xúc trong dư luận.
Tràn lan nhạc "rác”
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, bản nhạc rap chế bài thơ Lượm của Tố Hữu với hastag “Chubeloatchoat” do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc đã đạt 25 triệu lượt xem trong ba ngày trên nền tảng này.
Thay vì ca ngợi chú bé Lượm, bản rap đã xuyên tạc nội dung bài thơ, làm mất đi hình ảnh chú bé liên lạc tinh nghịch, giàu lòng yêu nước, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh.
Trước đó, nhiều bản nhạc chế, nhảm cũng lan truyền trên nền tảng TikTok khiến người nghe khó chịu như bản nhạc chế Doraemon của LDBL. Dù bị cho là nhảm, phá nát nguyên mẫu câu chuyện tuổi thơ của nhiều thế hệ nhưng bản nhạc vẫn không ngừng được chia sẻ. Thậm chí người chế ra bản nhạc này còn vô tư hát nhiều lần tại các game show.
Ngoài những bản nhạc chế được cho là vô nghĩa, thảm họa đối với người nghe, TikTok cũng trở thành địa hạt để các TikToker thực hiện các trend bẩn. Gần đây nhất, trào lưu hóa thân thành nữ anh hùng Võ Thị Sáu, sử dụng một đoạn lời thoại từ bộ phim điện ảnh Như một huyền thoại được nhiều bạn trẻ sử dụng TikTok hưởng ứng.
Kiểm tra hoạt động của TikTok tại Việt Nam đến hết tháng 5
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cho biết bộ đang xây dựng đề cương nội dung thực hiện kiểm tra TikTok. Dự kiến việc kiểm tra toàn diện sẽ bắt đầu từ ngày 15-5 đến hết tháng.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Thế nhưng bên cạnh các video ca ngợi và tôn vinh anh hùng Võ Thị Sáu, một số chủ kênh bị chỉ trích khi hóa thân thành chị Võ Thị Sáu với trang phục phản cảm.
Theo đó, tài khoản tên K đã chọn bộ trang phục không phù hợp với nét diễn có phần cợt nhả. TikToker này cũng diễn lại cảnh hy sinh của nữ anh hùng nhưng theo hướng diễn lố, gây cười, lồng nhạc ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu.
Đoạn clip đã nhanh chóng bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội, buộc TikToker phải gỡ clip này.
Có phải lỗi của người trẻ?
Bên cạnh việc các bản nhạc chế, nội dung bẩn xuất hiện trên TikTok thì điều gây lo lắng chính là sự tiếp tay của một bộ phận người trẻ, hầu hết là học sinh.
Điển hình, khi tác giả bản rap chế Lượm đã gỡ bỏ và lên tiếng xin lỗi, bản rap gốc vẫn tiếp tục được lan truyền. Thậm chí một số bạn trẻ còn biến hình, tạo dáng trên nền bản chế ban đầu để câu view, câu like.
PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng nếu nhận thức và nhu cầu tiêu dùng văn hóa của cộng đồng đều rất cao thì những sản phẩm “rác” văn hóa như trên sẽ không còn tồn tại.
“Thực tế tâm lý công chúng thường bị hấp dẫn bởi những thứ giật gân, gây sốc hơn nên những sản phẩm như trên vẫn có đất sống. Thêm vào đó, các sản phẩm này lại được sự tiếp tay của TikTok khiến sự lan tỏa càng mạnh hơn.
Đối với học sinh, khi hệ giá trị của các em chưa định hình mà lại tiếp xúc quá nhiều với “rác” văn hóa sẽ khiến các em thay đổi góc nhìn, xem đó là vui, là giỏi, là dám nói, là chấp nhận được.
Nhưng tôi không đồng ý việc quy trách nhiệm cho người trẻ. Họ mắc sai lầm vì thiếu sự dẫn dắt và trao truyền kiến thức đầy đủ kịp thời” - PGS-TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ông Nam cho rằng cần có chính sách nhất quán bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng; phải nhanh chóng triển khai nâng cao năng lực số cho những người trẻ và hướng dẫn cha mẹ, giáo viên cách thức giáo dục và quản lý hành vi con cái trên không gian mạng.
Bên cạnh đó phải tích cực phát hiện sớm, xử lý nghiêm các cá nhân phát tán nội dung độc hại trên không gian mạng; lôi kéo sự tham gia và trách nhiệm giải trình của các nền tảng mạng xã hội đang dung chứa và tạo điều kiện cho những nội dung xấu, độc được lan truyền.
“Mỗi người cần một thông điệp ẩn dụ mang tính hình tượng ngắn gọn, dễ nhớ để nhắc nhở bản thân mình ứng xử phù hợp trong cuộc sống thực và thế giới ảo. Bạn có thể ghi xuống slogan “Hãy tắt TikTok đi và bật cuộc sống lên” hay “Hãy ngắt kết nối mạng, để kết nối tình thân” là tùy bạn. Nói vậy không phải là cô lập, tẩy chay thế giới ảo mà phải ý thức rõ cái lợi, cái hại để sống an toàn và bảo vệ những người xung quanh. Không những thế, chúng ta cần bày tỏ thái độ với tiêu cực, những sản phẩm “rác” văn hóa, biết nhân lên cái đẹp để dẹp cái xấu” - ông Nam nhấn mạnh.
Tám nội dung giáo dục năng lực số cần đưa vào giảng dạy
Các nội dung giáo dục năng lực số phải được đưa vào trong chương trình giảng dạy cho học sinh từ trước chín tuổi, cụ thể:
(1) Vận hành thiết bị và phần mềm, hướng dẫn giáo viên vận hành thiết bị, phần mềm và các ứng dụng dịch vụ số.
(2) Khai thác thông tin và dữ liệu: Xác định nhu cầu thông tin, bản chất và mức độ của thông tin cần thiết; tìm kiếm thông tin hiệu quả; đánh giá được thông tin; tổ chức trình bày thông tin phù hợp.
(3) Giao tiếp và tương tác trong môi trường số: Hiểu quy tắc ứng xử và giao tiếp, giao tiếp theo chuẩn mực pháp luật, quản lý rủi ro trong giao tiếp, xây dựng hình ảnh cá nhân, thực hành quyền và dịch vụ công qua nền tảng số.
(4) An toàn và an sinh số: Kiểm soát dấu chân số của bản thân và người khác, bảo vệ danh tính số và quyền riêng tư, duy trì an sinh số, bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng thiết bị và dịch vụ số.
(5) Sáng tạo nội dung số: Tạo lập nội dung số mang tính giáo dục; áp dụng các cơ sở pháp lý trong xây dựng, phát triển và sử dụng nội dung số...
(6) Phát triển kỹ năng số: Làm thế nào để có thể tự học hiệu quả trên môi trường số, giới thiệu và thực hành học tập trên một số nguồn học trực tuyến tiêu biểu.
(7) Sử dụng năng lực số trong phát triển nghề nghiệp.
(8) Các phẩm chất cần thiết trong thế giới số: Sáng tạo, tự định hướng, tư duy phản biện, hợp tác, thấu cảm, linh hoạt, khả năng thích ứng, phán đoán và ra quyết định.
PGS-TS TRẦN THÀNH NAM
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-nguoi-tre-loc-rac-van-hoa-tren-tiktok-post732374.html