Để người trẻ thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định độ tuổi kết hôn đối với nam từ đủ 20 tuổi trở lên, đối với nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những cặp vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn hoặc ở độ tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi).

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) trao đổi với các sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) về độ tuổi kết hôn tại buổi tuyên truyền pháp luật do nhà trường tổ chức. Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) trao đổi với các sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) về độ tuổi kết hôn tại buổi tuyên truyền pháp luật do nhà trường tổ chức. Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, nếu chưa đủ tuổi kết hôn mà nam nữ được gia đình tổ chức kết hôn là làm sai quy định của pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội tảo hôn.

* Chưa đủ tuổi vẫn muốn tổ chức kết hôn

Mặc dù cả 2 chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định, em H.T. (17 tuổi, H.Tân Phú) và em L.B. (19 tuổi, ngụ cùng địa phương) vẫn muốn tổ chức kết hôn và được hai bên gia đình đồng ý. Khi biết sự việc, cán bộ tư pháp và Hội Phụ nữ xã (nơi các bạn trẻ cư trú) đã tiếp cận giải thích, vận động gia đình không tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ. Do không hiểu đúng pháp luật về độ tuổi kết hôn nên gia đình T. và B. đều cho rằng, cán bộ xã gây “khó dễ” cho người dân.

Về sự việc này, luật sư Nguyễn Đức cho hay, để bảo vệ hôn nhân tiến bộ, sức khỏe, giống nòi, truyền thống, pháp luật về hôn nhân và gia đình thì pháp luật chế tài hành chính, hình sự đối với hành vi tảo hôn (là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn).

Theo đó, khi cả hai chưa đủ độ tuổi kết hôn (nữ chưa đủ 18 tuổi, nam chưa đủ 20 tuổi) hoặc nữ đủ 18 tuổi, nam chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi nam đủ 20 tuổi mà được gia đình tổ chức kết hôn là hành vi tảo hôn, bị pháp luật nghiêm cấm. Cho nên, việc cán bộ phụ nữ, tư pháp xã vận động, thuyết phục, ngăn chặn 2 gia đình tổ chức hôn lễ cho đôi bạn trẻ T. và B. là đúng quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức phân tích, Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Đồng thời, tại Điều 183, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

* Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật

Để nhanh chóng xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), Ban Dân tộc tỉnh và phòng dân tộc các địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Hội Luật gia tỉnh, người có uy tín của các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản tại những địa phương có đông ĐBDTTS sinh sống như: Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc…

Ông Thổ Út, Phó ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Dù việc tảo hôn trong ĐBDTTS không còn phổ biến, chỉ là hiện tượng cá biệt ở một vài nơi nhưng Ban Dân tộc đang từng bước vận động người dân loại bỏ hẳn nạn tảo hôn để thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong hôn nhân theo pháp luật quy định”.

Theo luật sư Nguyễn Đức, hiện tượng tảo hôn ngày nay không chỉ do hủ tục lạc hậu mà còn do yêu đương sớm, hiểu biết pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa đúng đắn. Do đó, muốn bài trừ và hạn chế tới mức thấp nhất việc tảo hôn cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục. Mặt khác, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục con em mình hiểu các quy định về tuổi kết hôn, cũng như hậu quả từ việc tảo hôn.

Một cựu cán bộ Hội Phụ nữ ở H.Tân Phú chia sẻ, hậu quả của việc tảo hôn là quan hệ tình dục sớm, mang thai, nạo phá thai, có con sớm khi cả nam và nữ tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện. Để ngăn chặn nạn tảo hôn, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân, nhất là học sinh, sinh viên thực hiện đúng các quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn, các cơ quan chức năng cũng như các cấp Hội Phụ nữ còn phải kịp thời phát hiện nạn tảo hôn xảy ra tại địa bàn mình quản lý để vận động, kịp thời ngăn chặn nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Diễm Quỳnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/de-nguoi-tre-thuc-hien-nghiem-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-3035943/