Để nguồn vốn tín dụng xanh phát huy hiệu quả
Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, triển khai các chương trình tín dụng có các chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đến nay, nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, tăng trưởng xanh được triển khai như: chính sách tín dụng khuyến khích phát triển việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP của Chính phủ; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 813/QÐ-NHNN năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Tại Đồng Nai, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các chương trình tín dụng liên quan đến tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, nhiều dịch vụ hỗ trợ...
Tuy nhiên, trên thực tế, dư nợ cho vay đối với hoạt động tín dụng xanh hiện vẫn chưa nhiều. Một số ngân hàng dù đẩy mạnh, khuyến khích cho vay tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi nhưng không phải dự án nào có yếu tố “xanh” cũng được cấp tín dụng mà phải trải qua quá trình thẩm định, chọn lọc khắt khe để đảm bảo các quy định, tiêu chí của ngân hàng...
Đặc biệt, việc đầu tư vào các lĩnh vực xanh, sạch hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao... Trong khi, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.
Do đó, để nguồn vốn tín dụng xanh phát huy hiệu quả, cần có thêm tiếng nói chung giữa việc triển khai, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh của các ngân hàng với việc xây dựng phương án, chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực sản xuất xanh, sạch... Ngoài ra, hoạt động phát triển những ngành kinh tế xanh cần có sự đồng bộ trong chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến chiến lược phát triển, quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh, cũng như tăng cường giám sát, đề xuất những giải pháp quản lý, hạn chế rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.