Để nhà băng tự tin tiến tới ngân hàng mở

Các ngân hàng trên thế giới và Việt Nam đang trải qua cuộc chuyển đổi sâu rộng dựa trên ứng dụng công nghệ số, tận dụng dữ liệu và triển khai mô hình kinh doanh đổi mới.

Cuộc chuyển đổi này giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội và tạo ra nguồn thu, không gian phát triển mới. Trong đó, xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những động lực chính, hứa hẹn mang đến bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, ngân hàng mở là xu hướng toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng nhất trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sâu rộng ngành Ngân hàng và các TCTD, đem đến lợi ích, giá trị thiết thực cho khách hàng. Việc phát triển kết nối tới các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số hướng tới các mô hình ngân hàng mở là điều kiện tối quan trọng để có thể tiếp tục cung ứng sản phẩm dịch vụ đa dạng, tiện lợi, cá nhân hóa cao, chi phí thấp cho người dùng. “Do đó, ngân hàng mở được xem là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, là xu hướng tất yếu của kinh doanh ngân hàng trong kỷ nguyên số”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu tại Việt Nam, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba (TPP) thông qua việc sử dụng Open API. Đơn cử như VietinBank ra mắt VietinBank iConnect, cung cấp nền tảng chia sẻ Open API hỗ trợ các đối tác số tham khảo, thử nghiệm và phát triển các ứng dụng phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Đến thời điểm này mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng VietinBank iConnect. BIDV ra mắt BIDV Open API cung cấp 15 gói API. Chỉ sau hơn 3 tháng, đã có gần 60 đối tác trải nghiệm hệ thống BIDV Open API với hơn 17.000 lượt thử nghiệm trên môi trường sandbox và đăng ký tích hợp với BIDV…

Tiềm năng của ngân hàng mở là rất lớn, nhưng theo ông Vũ Anh Đức, Phó giám đốc Trung tâm nền tảng và định danh số, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT IS, mô hình Open Banking hay Open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau. Do đó, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại ba thách thức lớn cần tháo gỡ để tự tin đi theo hướng mở: vấn đề quản trị dữ liệu; an toàn bảo mật; nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật (khi chưa có quy định chung nào về tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa vào thực tế giữa các tổ chức).

Theo ông Vũ Anh Đức, nhu cầu của khách hàng cao và mong muốn của các TCTD và doanh nghiệp cũng rất nhiều. Vì vậy, đi đôi với việc rõ ràng khung pháp lý, công nghệ và dữ liệu sẽ được coi “chìa khóa” giúp kết nối liền mạch hệ thống giữa các tổ chức, xác thực thông tin chính xác giúp “mở đường” cho quá trình chuyển dịch ngân hàng mở hiệu quả.

Đại diện Mastercard cũng chia sẻ về ba yếu tố nền tảng để tiến tới ngân hàng mở và xa hơn là nền kinh tế mở. Đầu tiên là về hạ tầng kiến trúc. Mỗi nền tảng ngân hàng mở phải có các điều khoản, điều luật cũng như tiêu chuẩn chi tiết của dữ liệu. Chẳng hạn như những dữ liệu nào bắt buộc chia sẻ, dữ liệu nào khuyến khích hoặc để cho những bên tham gia lựa chọn. Bộ tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp các thành viên tham gia đưa ra các chiến lược phù hợp để triển khai.

Tiếp theo là về quyền của người dùng. Bản chất của ngân hàng mở là trao quyền cho người dùng, và người dùng cần hiểu họ được trao quyền như thế nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Anh cho thấy gần 60% người dùng chưa thực sự hiểu về quyền lợi của mình sau 5 năm triển khai ngân hàng mở. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kết nối với người dùng để họ hiểu rõ quyền lợi của mình.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là chiến lược của các bên tham gia. Các ngân hàng có thể lựa chọn tham gia một cách thụ động bằng cách đáp ứng theo quy định của pháp luật về ngân hàng mở, hoặc chủ động trong việc xây dựng và xem đó là một chiến lược để tạo ra những giá trị thặng dư mới cho doanh nghiệp. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của mỗi ngân hàng. “Ba yếu tố này sẽ quyết định việc triển khai ngân hàng mở của doanh nghiệp cũng như tiến gần hơn tới tài chính mở và nền kinh tế mở”, đại diện Mastercard nhấn mạnh.

Về hành lang pháp lý cho ngân hàng mở, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hiện NHNN đang xây dựng trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và có thể hướng tới tạo ra mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, sớm ban hành thông tư về triển khai Open API trong ngành Ngân hàng, nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.

Thực tế, Open Banking, Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho các nhà băng, cộng đồng fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-nha-bang-tu-tin-tien-toi-ngan-hang-mo-157338.html