Để nhân dân đón Tết an toàn
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 11 tháng năm 2024, trên toàn quốc xảy ra 21.691 vụ tai nạn giao thông khiến 10.026 người tử vong, 16.103 người bị thương. Chỉ riêng tháng 11-2024, toàn quốc xảy ra 1.980 vụ tai nạn giao thông làm 965 người tử vong và 1.418 người bị thương.
Rõ ràng, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Tại nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn có lưu lượng, mật độ giao thông cao, số vụ, số người bị thương do tai nạn giao thông gia tăng. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, các tuyến quốc lộ trọng điểm vẫn là nguy cơ thường trực; công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập.
Tết Dương lịch 2025 đã cận kề và chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Hoạt động vận tải hành khách dịp Tết cũng có nhiều biến động và phát sinh các vi phạm như tình trạng dừng đỗ, bắt khách dọc đường, lái xe quá số giờ quy định, chở quá số người quy định, hoạt động tuyến vận tải trá hình, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn… Đây là những nguyên nhân chính khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn.
Nhằm kịp thời ngăn chặn và tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân vui xuân đón Tết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các đơn vị liên quan. Đây cũng là nội dung quan trọng được Ban Bí thư chỉ đạo trong Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 11-12-2024 về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung triển khai thực hiện trong đợt cao điểm từ ngày 15-12-2024 đến 14-2-2025.
Để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cao điểm cuối năm, kiềm chế tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), trước hết, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự đô thị. Trong đó, không để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải, quá khổ, xe tự chế...; không để xảy ra ùn, tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Về phía Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương cần chủ động tham mưu với chính quyền, Ban Chỉ đạo 197 các cấp về chủ trương mở đợt cao điểm của lực lượng công an để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia phối hợp. Trong đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai đợt cao điểm với việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp cuối năm nay.
Về phía các lực lượng chức năng cũng như các địa phương cần chủ động xây dựng phương án bảo đảm việc vận chuyển hành khách dịp nghỉ Tết, không để xảy ra tình trạng xe khách “nhồi nhét” khách; “xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định” hoạt động. Đồng thời, tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát...
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Kiên quyết xử lý các phương tiện kinh doanh vận tải khách chạy sai hành trình, chở quá số người quy định, dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định... qua đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông dịp cao điểm này.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-nhan-dan-don-tet-an-toan-688601.html