Để nhân lên những điều tốt đẹp...
Một bà mẹ Việt kiều chia sẻ trên trang cá nhân của chị về buổi học của các cháu lớp vỡ lòng con chị bên Mỹ, cô giáo cùng học sinh chỉ bàn về một chuyện: 'Em cho bạn chiếc bánh yêu thích duy nhất mà em có, chuyện gì sẽ xảy ra?'. Cách mà cô giáo khuyến khích trẻ trung thực thể hiện suy nghĩ và dạy trẻ về sự chia sẻ trong lớp học này có nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Theo đó, cô giáo phát cho 18 học sinh, mỗi em một tờ giấy, bảo muốn làm gì cũng được, miễn thể hiện suy nghĩ của mình. Tất nhiên, các cháu 5 tuổi chưa hẳn là biết viết, chỉ vạch vạc mấy từ hoặc minh họa bằng hình vẽ để qua đó thể hiện cách nghĩ của mình.
Sau một hồi chờ đợi, cô giáo gom giấy. Cô xem từng tờ nhưng không đưa ra bất kỳ đáp án nào. Cô mời các chủ nhân của tờ giấy diễn giải rõ hơn về nội dung em muốn nói, nếu có thể, rồi cả lớp cùng bàn luận về phương án ấy. Rồi cô kết luận rằng chẳng có phương án nào sai, kể cả: "Cho bánh xong cháu giật lại vì rất thèm". Cô nói, nếu có bạn hành động như vậy thì đó là tính cách tự nhiên của con người, nhất là ở trẻ nhỏ.
Thật vậy, cho bạn miếng bánh rồi giật lại, thậm chí bạn đưa vào miệng nhai rồi còn đòi lại, mà phải đòi đúng miếng bánh đó, thì cũng là chuyện bình thường ở con trẻ.
Cô giáo chắc cũng hiểu rõ điều này. Rồi cô lại gợi mở thêm vấn đề khi hỏi: Nhưng, nếu chia đôi chiếc bánh thì em thấy thế nào? Trong lớp, có cậu bé tự kỷ hằng ngày đến trường với chú chó Spat. Em nhờ cô giáo viết ra giấy rằng em yêu Spat và muốn cho Spat không chỉ một chiếc bánh mà tất cả mọi thứ em có. Trong khi đó, có bạn lại nói rằng: “Sau khi em cho bạn chiếc bánh, mẹ em thưởng cho em cả đĩa bánh to!”.
Trẻ em là thế, hồn nhiên trong suy nghĩ, hành động và sự hồn nhiên ấy xuất phát từ cá tính, ý thức bản năng. Nhưng, điều quan trọng là, cuối cùng, cô giáo kết luận không có phương án nào đúng, phương án nào sai, vì mỗi người một tính cách, một suy nghĩ, nhưng qua trao đổi hôm nay, cô mong muốn các em hiểu chia sẻ là hành động tốt của con người. Và, cô khuyến khích các em hãy chia sẻ thật nhiều với người khác khi có thể.
Thử đặt giả thiết, nếu cô giáo đó phân tích rằng, em cho bạn bánh xong rồi đòi lại là em ích kỷ; em chia sẻ tất cả những gì em có cho một chú chó là không nên, là em sẽ thiệt; hay em nghĩ rằng cho bạn cái bánh rồi mẹ em sẽ thưởng cho em cả một đĩa bánh - là em có tính toán, vì đã biết trước cái lợi của việc mình làm...
Lại thử đặt giả thiết, nếu sau khi phân tích đúng sai, chỉ dạy các em rằng cách đúng để chia sẻ là phải thế này, thế kia, cô đọc các em nghe những châm ngôn kiểu như: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: Họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”; “Đừng bao giờ từ chối nếu bạn vẫn có cái để cho”; “Chính trong sự cho đi là chúng ta nhận lại”... thì chắc chắn, những mái đầu non nớt của các em vỡ lòng chưa thể hiểu được, thậm chí lớn hơn vài ba lớp nữa, có lẽ các em cũng chưa hiểu được, hoặc có nói rằng hiểu cũng chỉ là “hiểu vẹt” theo cách hiểu của người khác.
Bài học của cô giáo đơn giản mà hay ở chỗ, cô không dạy trẻ nói những gì mà người lớn thích trẻ nói, muốn trẻ nói, cô khuyến khích trẻ nói ra chính suy nghĩ của mình, cho dù nó là thế nào. Và vì cô không bao giờ chê, không so sánh, cô tôn trọng mọi suy nghĩ của các em nên các em sẽ tự nhiên nói suy nghĩ của mình một cách trung thực và thoải mái nhất, các em sẽ không phải cố gắng loay hoay để làm cô vừa lòng, hay nhòm ngó sang bạn khác xem thái độ bạn thế nào để còn bắt chước, a dua.
Một bài học kích thích tư duy và tôn trọng sự độc lập suy nghĩ, đề cao lòng trung thực như vậy sẽ khiến trẻ tiếp nhận vấn đề một cách nhẹ nhõm, cụ thể ở đây là lĩnh hội tinh thần về sự chia sẻ một cách tự nhiên mà sâu sắc, không cần đến một mớ lý thuyết hay định nghĩa rằng chia sẻ là phải thế này, thế kia bao trùm định hướng các em.
Ở một góc độ khác, việc nói ra suy nghĩ trung thực của mình chính là sự chia sẻ một cách trung thực, bởi trong nhiều trường hợp, không nhất thiết chia sẻ là phải cho đi cái gì đó mang tính vật chất, chia sẻ suy nghĩ và tri thức nhiều khi còn quan trọng hơn. Nhiều suy nghĩ trung thực được chia sẻ ra với nhau, trong lớp học, trong xã hội, thì chắc chắn lớp học ấy, xã hội ấy, những con người biết trung thực chia sẻ ấy, sẽ chỉ có thể cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp.
Nhưng, cũng là vấn đề sẻ chia, mà câu chuyện tôi kể dưới đây sẽ mang một màu sắc khác hẳn. Đây là một đoạn thoại giữa hai mẹ con, cháu trai học lớp 4 và mẹ:
“- Bạn D lớp con hôm nay được điểm 9, thế là các bạn bàn luận, vì từ trước tới giờ bạn D điểm không cao. - Các bạn bàn luận sao? - Nói là cô giáo thương D. Nói là tại bố mẹ D cho cô giáo tiền. - Ý con thì sao? - Con nghĩ rằng các bạn nói vậy là không công bằng với D. - Con nói ra điều đó không? - Con không nói. - Sao con không nói? - Các bạn mạnh lắm. Con không nói được. Mà nói trái lại ý các bạn, con bị đánh. - Con bị đánh lần nào chưa? - Con bị đánh rồi”.
Con của bạn tôi khi đó học lớp 4 ở một trường công lập. Câu chuyện trên có thể phân tích ở mấy khía cạnh:
Một, các bạn bàn luận về một bạn được điểm 9 - điểm cao đột xuất - nên các bạn không khen, không khích lệ, cổ vũ, mà xoi mói. Điều này thể hiện phần nào sự thiếu chia sẻ, thói đố kỵ ganh ghét trong học sinh, một tính rất xấu nhưng ở lớp nào trường nào cũng có.
Hai, các bạn cho rằng lý do được điểm 9 là do “bố mẹ D cho cô giáo tiền”. Việc này thực tế có thể có hoặc không, chưa có kiểm chứng, nhưng nó liên quan đến thực tế văn hóa phong bì trong môi trường giáo dục, bố mẹ cứ lén lút đưa biếu thầy cô, các em đều biết. Mà một khi các em biết thì có phần sẽ ỷ lại, lười học, có thể xem thường cả thầy cô nữa. Bố mẹ lót phong bì rồi, cần gì phải học?! Phụ huynh cứ nghĩ ai cũng đều có phong bì, yên tâm sao được. Thôi thì bớt ăn bớt tiêu đi, nhắm mắt cho xong. Có ngờ đâu, ý nghĩ đơn giản, hành động tưởng đơn giản lại hình thành thói tham, thói xấu, lối sống thực dụng, giả dối ở một môi trường mà đạo đức, phẩm chất con người phải được đặt lên hàng đầu.
Thứ ba, chuyện “con không nói”. Tại sao con không nói? Dù trong lòng con nghĩ “các bạn không công bằng với D”. Vì nếu nói ra, “trái ý các bạn, con bị đánh”. Trong môi trường tập thể, một người khác biệt, một người nói khác, làm khác là có thể bị tẩy chay, thậm chí bị đánh. Điều này đã từng xảy ra ở nhiều trường, lớp, ở cả ngoài xã hội. Những kẻ mạnh, dù họ có sai đi nữa, nhưng một khi đã gieo rắc được nỗi sợ hãi cho người khác, là sẵn sàng dùng sức mạnh đám đông chà đạp lên lẽ phải, thì người đúng, người ngay thẳng mà đơn độc, cũng chỉ còn cách nín lặng. Khi đó, lòng tự trọng và sự dũng cảm, ngay thẳng khó có thể tồn tại; sự giả dối, hiếu thắng, hãnh tiến và thói hống hách sẽ ngự trị. Mới là học trò lớp 4 thôi, trong đầu đã bị hằn lên những chuyện tiêu cực như thế, bảo sao các con lớn lên cho chính trực, ngay thẳng?
Chúng ta cho con đến trường để con học làm người, học lấy kiến thức. Chúng ta muốn các con được bồi đắp lòng tự trọng, biết sống đẹp, sống ngay thẳng, biết tôn trọng, chia sẻ, tin yêu... Nhưng, ngay chính chúng ta, trong lòng luôn mang sẵn nỗi sợ hãi và thói ganh đua. Sợ con bị điểm kém, bị trù dập, sợ con thua kém bạn bè và sau lưng các con, chúng ta đã làm những điều không trong sáng để nhằm tự trấn an nỗi lo sợ ấy. Chúng ta cũng nhiều khi tiếp tay cho thầy cô trong việc gieo rắc nỗi sợ cho các con, rằng thầy cô cứ phạt nghiêm vào, phải dọa cho sợ, “thương cho roi cho vọt” mà. Chúng ta tiếp tay cho lối giáo dục bằng roi vọt, đe dọa, bởi chính chúng ta nhiều khi cũng roi vọt, đe dọa với con chúng ta... Điều gì đang xảy ra trong giáo dục của chúng ta để những câu chuyện hằng ngày của các con ẩn chứa nhiều nỗi niềm bất an, chua xót, hoang mang đến thế?
Có mấy câu cửa miệng mà chúng ta hay nghe hằng ngày: “sống trong tập thể, người ta thế nào thì mình thế”; chúng ta hay sống theo phương châm “gió chiều nào, che chiều nấy”, hóa ra là có ngọn nguồn của nó cả. Tư duy độc lập, lòng tự tôn, hình như là thứ chưa được giáo dục của chúng ta coi trọng; cái khác biệt còn chưa được tôn trọng thì lòng trung thực sẽ gặp khó trong việc muốn thể hiện.
Độc lập suy nghĩ và trung thực, sẻ chia trong cuộc sống là những điều mà giáo dục hiện đại đang hướng tới. Dù cuộc sống có muôn màu và biến đổi đến như thế nào, những điều này luôn luôn đúng và cần thiết, không thừa cũng như không bao giờ lỗi thời. Nhưng, muốn đạt được những điều này thì quyền tự do suy nghĩ và thể hiện phải được coi trọng từ khi con em chúng ta là những đứa trẻ. Các con cần được lớn lên trong bầu không khí trong sáng, hướng thiện, không vì canh cánh nỗi lo bị phán xét và quy kết mà phải tự “vặn vẹo” mình đi cho vừa một khuôn thước bất kỳ.
Cuộc sống luôn rộng mở; suy nghĩ, tấm lòng con người cũng là một “không gian mở”, khi một đứa trẻ được sống trong bầu không khí trung thực và sẻ chia, sẽ tự nhiên hướng thiện và mở lòng nhân lên những điều tốt đẹp.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/de-nhan-len-nhung-dieu-tot-dep--i687992/