Để nhờn luật, lách luật là quản lý thất bại
Để doanh nghiệp lách luật, nhờn luật nhiều lần nhằm mục tiêu trục lợi là thất bại của cơ quan quản lý.
Liên quan việc hai đại gia bán chui cổ phiếu và hủy cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến bạn đọc gửi về bày tỏ quan điểm.
Bạn đọc Minh Hoàng (Bình Dương) viết: “Đừng đổ hết lỗi lên đầu doanh nghiệp, cái gì pháp luật không cấm họ được phép làm. Cái gì lợi cho doanh nghiệp của họ, họ làm, thậm chí họ chấp nhận chịu phạt. Doanh nghiệp không trăm phương nghìn kế tìm cách tồn tại thì đã phá sản từ lâu. Nhất là sau những biến cố do Covid-19 mang lại.
Vấn đề là pháp luật phải chặt chẽ. Nếu để doanh nghiệp lợi dụng hết lần này đến lần khác thì hệ thống quy định pháp luật có vấn đề.
Người quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm. Thấy lỗ hổng thì phải vá”.
Bạn đọc Huỳnh Anh (Đà Nẵng) đồng tình: “Không luật pháp nào là không có lỗ hổng nhưng vấn đề là người ta có nhìn ra nó hoặc muốn bịt nó lại hay không. Việc bán chui cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận gấp cả trăm ngàn lần tiền nộp phạt thì phải có biện pháp mạnh hơn để không ai dám lặp lại.
Hay việc hủy bỏ cọc đấu giá, đó là quyền của người tham gia đấu giá, họ đã mất khoản tiền đặt cọc, vậy có gì cần giải quyết ở đây? Cần giải quyết là đưa ra những quy định chống làm nhiễu loạn thị trường, hoặc có thể là những điều kiện cao hơn để có những nhà đầu tư thực chất, để không có những doanh nghiệp mượn việc đấu giá để trục lợi”.
Bạn đọc Tuyết Hoa (Hà Nội) bình luận: “Đây sẽ là bài học cho những người tham gia thị trường chứng khoán trong nước và là bài toán dành cho những nhà quản lý kinh tế. Để doanh nghiệp lách luật, nhờn luật nhiều lần nhằm mục tiêu trục lợi là thất bại của cơ quan quản lý. Vì lợi nhuận sẽ thuộc về số ít và thiệt hại thuộc về số đông, nhất là những người yếu thế cần bảo vệ”.
Người dân đang trông chờ kết quả xử lý hai vụ việc này của cơ quan quản lý, bạn đọc Tuyết Hoa khẳng định.