Để những buổi liên hoan, tổng kết cuối năm được trọn vẹn
Dịp cuối năm là thời điểm mọi người gặp gỡ, sum họp sau một năm bận rộn. Nhưng niềm vui sẽ không trọn vẹn khi tại những cuộc liên hoan, tổng kết, nhiều người lạm dụng rượu bia, không làm chủ được hành vi của mình để rồi ẩu đả hay gây tai nạn giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng.
Những cái kết “đắng lòng”
“Đã uống rượu bia - Không lái xe” - Thông điệp này đã đi vào cuộc sống trong nhiều năm qua, được các cơ quan ban ngành quán triệt, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đông đảo người dân hết sức đồng tình, lái xe ủng hộ.
Mặc dù mức phạt đối với lái xe vi phạm được đánh giá là khá nặng, có tính răn đe và lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn. Nhưng vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán; tại các buổi liên hoan, tổng kết, tình trạng sử dụng rượu bia mà vẫn tham gia giao thông vẫn hết sức nan giải. Hậu quả đáng tiếc là điều khó tránh khỏi.
Khoảng 20h ngày 31/12/2023, Đội Cảnh sát giao thông TP. Bắc Giang làm nhiệm vụ trên đường Hoàng Hoa Thám (đoạn qua xã Song Mai) ra tín hiệu dừng xe ô tô bán tải BKS 29K - 055.XX đi theo hướng TP. Bắc Giang - huyện Tân Yên để kiểm tra.
Tuy nhiên lái xe không chấp hành mà quay đầu bỏ chạy, khi lực lượng chức năng huy động phương tiện đuổi theo. Tài xế xe bán tải liều lĩnh đâm vào xe ô tô chuyên dụng của lực lượng công an và tiếp tục tìm cách chống đối.
Sau khi bị chặn lại, lái xe vi phạm không xuống xe làm việc, buộc lực lượng công an phải phá kính, khống chế. Qua kiểm tra nồng độ cồn, lái xe vi phạm ở mức 0,595mg/1 lít khí thở (vượt mức cao nhất) và khai nhận trước đó đã sử dụng bia rượu.
Đặc biệt vào khoảng 1h40’ ngày 14/1, một nữ tài xế điều khiển xe ô tô con di chuyển trên quốc lộ 1A, khi đến đoạn qua xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã đâm vào xe tải mang biển số tỉnh Phú Yên. Thời điểm trên, xe tải đang gặp sự cố và tài xế xuống xe kiểm tra đã bị ô tô đâm trúng từ phía sau gây tử vong.
Cơ quan chức năng kiểm tra nồng độ cồn với nữ tài xế và kết quả ở mức 0,385mg/l khí thở. Đây là chỉ số nồng độ cồn cao, gần chạm ngưỡng kịch khung quy định tại Nghị định 100 (0,4mg/l khí thở). Nữ tài xế thừa nhận trước đó có tham dự buổi tiệc sinh nhật và có uống rượu bia.
Trao đổi với PV, đại diện một nhà hàng tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho biết, càng gần cuối năm thì lượng khách bắt đầu gia tăng, kéo theo đó là lượng tiêu thụ rượu bia tăng theo như tại cơ sở ghi nhận khách tăng thêm 20 - 30%, tiêu thụ rượu bia tăng 10 - 15%. Người dân đã có ý thức hơn khi sau khi sử dụng rượu bia, nhiều người đã bắt xe công nghệ hoặc thuê người lái về.
Pháp luật đã quy định tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể nói, quy định đã rất nghiêm khắc nhưng vẫn có không ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. Chưa chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.
Bớt chén rượu, vơi nỗi lo
Đánh giá từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Thống kê mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7,5%).
Rượu bia cũng là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế - xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau 4 ngày ra quân cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 9.098 tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông), với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.
Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thực tế người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định này trong thực tế.
Nhờ những chốt kiểm tra nồng độ cồn và mức phạt cao ngất ngưởng, lại không thể “xin xỏ” mà nhiều người không dám nhờn luật. Và để giảm thiểu tới mức thấp nhất những hệ lụy mà rượu bia gây ra, mỗi người dân càng cần nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật để những buổi liên hoan, tổng kết cuối năm được trọn vẹn.