Để những con đường hoa trở thành 'đặc sản' của du lịch Thủ đô
Với lợi thế có nhiều con đường hoa cùng nhiều loại hoa đặc trưng theo mùa nở quanh năm, Hà Nội đang sở hữu những không gian đẹp, lãng mạn, thu hút người dân và du khách. Nắm bắt xu hướng này, Hà Nội đang hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn 'Hà Nội 12 mùa hoa'.
Những ngày đầu xuân, khi những con đường hoa ban, hoa sưa, hoa phong linh của Hà Nội khoe sắc và mang đến vẻ đẹp thơ mộng cho Thủ đô, rất nhiều người dân, du khách đã đến thưởng ngoạn và chụp ảnh. Một số điểm được nhiều người biết đến như các phố Hoàng Diệu, Văn Cao có con đường hoa ban; các con đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám có nhiều hoa sưa và đường hoa phong linh nở vàng rực rỡ ở một khu đô thị.
Nắm bắt xu hướng, nhiều địa phương của Hà Nội đã xây dựng sản phẩm du lịch hoa để thu hút du khách. Điển hình là huyện Ba Vì đã mở rộng diện tích trồng hoa dã quỳ lên tới 10ha, tạo thành “đặc sản” tham quan, trải nghiệm cho du khách vào tháng 11 và 12 hằng năm. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân cho biết, lượng khách đến với Vườn quốc gia ngày một tăng, đặc biệt là vào mùa hoa dã quỳ. Năm 2022, vào mùa du lịch cao điểm, Vườn quốc gia Ba Vì đón 25 nghìn lượt khách/tháng.
Lấy thế mạnh sản phẩm hoa để thu hút du khách, tháng 12-2022, huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa, giới thiệu các loại hoa hồng đến từ các làng nghề trồng hoa của huyện. Hoạt động này thu hút khoảng 100 nghìn lượt du khách.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho hay, lễ hội này sẽ được tổ chức thường niên, kỳ vọng trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của huyện. Cũng theo cách làm này, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đang cho xây dựng nhiều mô hình du lịch nông nghiệp với các không gian hoa đẹp theo mùa, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
Ở khu vực nội thành Hà Nội, nhiều năm nay cũng đã hình thành những điểm đến thu hút du khách bằng sản phẩm hoa, điển hình như vườn hoa Nhật Tân, thung lũng hoa hồ Tây (quận Tây Hồ), thảo nguyên hoa (quận Long Biên)… Các địa điểm này thường xuyên thu hút được đông đảo khách tham quan, nhất là vào các ngày lễ, dịp nghỉ cuối tuần hay vào những vụ hoa đặc trưng. Đi cùng với đó, nhiều dịch vụ cũng phát triển, tạo được nguồn thu đáng kể.
Mặc dù có lợi thế, nhưng theo các chuyên gia du lịch, để xây dựng sản phẩm du lịch hoa trở thành “đặc sản”, thành phố cần có những chiến lược bài bản. Được biết, ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…, các mùa hoa, mùa thay lá trở thành thương hiệu du lịch, thu hút rất nhiều du khách. Để tạo được những không gian hoa đẹp, các quốc gia đều có chiến lược trồng cây theo từng khu vực, có những quy định và dịch vụ cho du khách trải nghiệm, ngắm và chụp ảnh với hoa.
Để hoa thực sự trở thành một đặc sản du lịch của Thủ Đô thì một trong những vấn đề cần được làm ngay đó là việc phát triển dòng sản hoa, vấn đề quy hoạch vườn hoa, đường hoa và cơ chế quản lý doanh nghiệp khai thác, xây dựng vườn hoa. Hiện, trên địa bàn Hà Nội có nhiều vườn hoa đang hoạt động tự phát nhưng mạnh ai nấy làm, vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
Muốn du lịch hoa trở thành một sản phẩm độc đáo, đặc sắc của Hà Nội, thì Hà Nội nên tiếp tục trồng nhiều loại cây, hoa đẹp ở khu vực công cộng như công viên để người dân, du khách có thể đến chụp ảnh mà không làm ảnh hưởng đến giao thông. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần có cơ chế trong chiến lược phát triển các vườn hoa để tạo thành điểm đến cho du khách trải nghiệm.
Trong Kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội 2023, thành phố nhấn mạnh vào việc xây dựng những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, Sở đang hướng các địa phương, đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, trong đó, sản phẩm du lịch “Hà Nội 12 mùa hoa” được khuyến khích triển khai ở những địa phương có địa bàn phù hợp. Hiện Sở Du lịch đang xây dựng văn bản tham mưu, đề xuất thành phố về việc có cơ chế, quy hoạch rõ ràng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở từng địa phương.
Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương lên kế hoạch phát triển nhiều dòng sản phẩm mới, trong đó sẽ khai thác khu vực ven sông Hồng, nơi có rất nhiều vườn hoa. Ngoài ra, để tăng cường quảng bá du lịch Thủ đô, Sở sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, khuyến khích các đơn vị tạo các không gian hoa đặc trưng theo mùa của Hà Nội để du khách tham quan, chụp ảnh, góp phần tạo dựng thương hiệu “du lịch hoa” Hà Nội.