Để những mùa quả thêm ngọt ngào

Trong những năm qua, nhiều hộ ở Mường Khương đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng quýt. Bước sang vụ quýt thứ 10, nông dân Mường Khương đã có nhiều cải tiến trong sản xuất để những mùa quả thêm ngọt ngào.

Mô hình trồng ổi xen trong vườn quýt

Trong hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Pờ Chín Sài (dân tộc Pa Dí, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương) đã tham luận về việc trồng quýt với nhiều bước thăng trầm của gia đình. Năm 2010, ông chuyển đổi 1 ha đất trồng ngô sang trồng quýt. Ông bộc bạch: Những năm đầu trồng quýt rất vất vả. Do chưa nắm được kỹ thuật nên nhiều cây bị chết, còi cọc, tỷ lệ cây ra hoa và đậu quả thấp. Vườn quýt cũng bị sâu bệnh, rầy chổng cánh và bệnh vàng lá. Gia đình tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc để phun phòng, trừ sâu bệnh nhưng chi phí cao và ảnh hưởng đến chất lượng quả.

Vườn quýt chín sớm mang lại thu nhập cao cho bà con.

Vườn quýt chín sớm mang lại thu nhập cao cho bà con.

Năm 2014, con gái ông là Pờ Dìn Hoa, sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 đã chia sẻ với thầy cô giáo những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của gia đình và được hướng dẫn trồng ổi xen với quýt để phòng rầy chổng cánh. Nghe con gái kể lại, ông bảo con gái nhập ngay 200 cây ổi về trồng. Ông Sài tỉa những cây quýt trưởng thành để trồng xen cây ổi. Cây ổi hợp khí hậu, phát triển nhanh, chỉ sau 2 năm đã cao ngang cây quýt, xua đuổi rầy chổng cánh và cho thu hoạch quả. Ông Sài cho biết, trên cùng một diện tích đất, mô hình trồng ổi xen quýt mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,2 lần so với chỉ trồng quýt.

Thành công trong mô hình mới, ông Sài đã chia sẻ kinh nghiệm với bà con và tạo điều kiện cho 3 hộ nghèo trong thôn vay 30 triệu đồng để nhập 500 cây ổi về trồng xen canh. Đến nay, nhiều hộ trong thôn Chúng Chải B đã áp dụng mô hình trên vào sản xuất. Với mô hình trồng ổi xen quýt, bà con tiết kiệm được nhiều thời gian chăm sóc cây và giảm được 20% chi phí đầu tư sản xuất.

Nối vụ quýt mang lại thu nhập cao

Huyện Mường Khương hiện có gần 500 ha quýt, trong đó có 225 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 120 tạ quả/ha. Quýt được trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương, xã Tung Chung Phố và đang được mở rộng tại các xã: Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư, Nậm Chảy, Tả Ngài Chồ. Thời gian thu hoạch quýt ở Mường Khương kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau do người dân trồng nhiều loại quýt để gối vụ. Quýt chín sớm là loại quýt không hạt, cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10; quýt chính vụ là quýt ngọt đã được bảo hộ nhãn hiệu, cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 và quýt đường cho thu hoạch vào tháng 1 đến tháng 2 năm sau.

Gia đình Chị Tráng Thị Phương, ở thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố có vài trăm gốc quýt không hạt chín sớm. Chị cho biết, quýt chín sớm có vỏ xanh, vị chua nhẹ nhưng thời điểm tháng 8 và tháng 9 do có ít loại quả khác nên quýt bán rất chạy. Kết thúc thu hoạch quýt chín sớm cũng là lúc vườn quýt sen của gia đình chị bắt đầu mọng nước, vàng quả, báo hiệu cho thu hoạch.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Trên địa bàn huyện có 20 ha quýt chín sớm, năng suất bình quân đạt khoảng 10 - 15 tấn/ha.Việc trồng quýt gối vụ mang lại thu nhập cao cho bà con. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân lựa chọn giống quýt tốt, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để quýt đạt chất lượng.

Thời điểm này, một vài nhà vườn ở Mường Khương đã mở cửa đón thương lái vào thu mua quýt ngọt. Thời tiết thuận lợi nên các vườn quýt cho năng suất và chất lượng tốt, nhiều hộ phấn khởi trước một vụ quýt được mùa, được giá. Trong khi thu hoạch quýt ngọt, những hộ như hộ bà Hoàng Thị Bình, ở thôn Chúng Chải B không quên chăm sóc 200 gốc quýt đường của gia đình để nối vụ tiếp theo. Quýt đường có giá cao nhất so với các loại quýt khác, đặc biệt là khi quýt chín vào dịp Tết, chăm sóc tốt để có mẫu mã đẹp thì càng được giá hơn.

Những nông dân ở Mường Khương vẫn đang cần cù lao động, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để những mùa quả ngọt nối tiếp mang về no ấm.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/de-nhung-mua-qua-them-ngot-ngao-z3n20191101100530284.htm