Để những người giữ rừng yên tâm công tác

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 170 ngàn ha đất có rừng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150 ngàn ha rừng liền mạch mà các khu rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là chủ đạo.

Các khu rừng tự nhiên ở Đồng Nai đã được các nhà khoa học đánh giá là khu vực điểm về đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Đây là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cũng như nguồn nước của Đồng Nai và cả khu vực Đông Nam bộ.

Để có được thành quả đó là nhờ tỉnh Đồng Nai đã có những chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển rừng bền vững. Trong sự nghiệp bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại chỗ, đóng vai trò rất quan trọng. Họ là những người ngày đêm bám giữ rừng, không quản ngại vất vả, hiểm nguy. Tuy nhiên, những chính sách, chế độ, ưu đãi dành cho lực lượng này hiện nay vẫn chưa thực sự tương xứng.

Theo Bộ luật Lao động, người lao động làm việc không quá 48 giờ/tuần, không quá 8 giờ/ngày. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ đang phải sống, sinh hoạt, làm việc tại rừng 24/24 giờ từ 5-6 ngày/tuần. Nhiều trạm kiểm lâm ở vùng sâu, vùng xa, không có điện lưới, không sóng điện thoại; điều kiện sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng tại chỗ phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra dài ngày trong rừng; tổ chức mật phục ban đêm tại các "điểm nóng" hay xảy ra vi phạm về bảo vệ lâm sản; phải trực tiếp đối mặt với các đối tượng vi phạm có sử dụng vũ khí tấn công xâm hại về sức khỏe, đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, họ lại không được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, vũ khí như lực lượng kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm...

Tháng 11-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2019/NĐ-CP về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong đó quy định lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Quy định này có thể khiến cho hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng kém hiệu quả, nguy cơ tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại và mất rừng cao... Điều này cũng đã làm cho lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn bị dao động, sẵn sàng nghỉ việc để làm công việc khác an toàn hơn, có thu nhập tốt hơn. Cũng vì những khó khăn, bất cập nêu trên nên đến nay, không chỉ tại Đồng Nai mà hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn trên địa bàn cả nước đều chưa triển khai áp dụng nghị định này.

Do tính chất công việc vất vả, nguy hiểm nên việc tuyển dụng kiểm lâm cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn được giao chỉ tiêu 200 kiểm lâm nhưng tuyển mãi vẫn không đủ. Cách đây nửa năm, đơn vị tuyển dụng được 8 nhân viên mới, nhưng liền sau đó lại có đến 12 nhân sự nghỉ việc, thuộc 3 diện: về hưu, chuyển công tác, không trụ được nên nghỉ việc. Hiện nay, Khu bảo tồn đang thông báo tuyển dụng 30 kiểm lâm viên và với họ nếu tuyển được 1/3 con số này đã là thành công…

Lực lượng kiểm lâm mỏng, chế độ đãi ngộ chưa cao, trong khi địa bàn quản lý rộng, nhiều người dân vẫn có thói quen sống dựa vào tài nguyên rừng..., là những nguy cơ tiềm ẩn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do vậy, đề ra chế độ, chính sách hợp lý cho lực lượng kiểm lâm và tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của bà con sinh sống trong lâm phận là những điều kiện cần để hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng.

Tường Vi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202005/de-nhung-nguoi-giu-rung-yen-tam-cong-tac-3002406/