Để niềm vui thêm dài
Cuối tháng 10-2022, trái cam, bưởi của Liên nhóm sản xuất hữu cơ Yên Sơn ở Phúc Ninh được Hội Nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang cấp chứng nhận hữu cơ PGS. Ở Yên Sơn, đây là liên nhóm đầu tiên có sản phẩm được chứng nhận hữu cơ sau nhiều năm đánh đổi năng suất, nguồn thu.
Người truyền cảm hứng
Bà Đỗ Thị Thanh, thôn Yên Sở năm nay đã ở tuổi thất thập. Hơn chục năm trước, khi nghỉ chế độ, vợ chồng bà quyết định bỏ ngôi nhà ở thành phố về vui thú điền viên. Mảnh đất hơn 5 ha, bà dành 2 ha để trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam và bưởi, còn lại là trồng rừng. Ngày đấy, khái niệm sản xuất hữu cơ chưa phổ biến, nhưng vợ chồng bà đã quyết định, sản xuất tất cả theo hướng thuần tự nhiên, để đổi lại những năm tháng nhọc nhằn với khói bụi thành phố.
Chồng thu gom phân chuồng, phân xanh về ủ làm phân bón, bà mày mò tìm cách chống sâu, bướm hại quả. Cả xã khi ấy, cây ăn quả đang là nguồn thu nhập chính, trong khi người làm vườn cả xã bón phân vô cơ, phun thuốc hóa học để cây sai quả, đẹp mã, lại giảm công sức chăm sóc, thì vợ chồng bà tỉ mẩn với chuyện làm giàu cho đất, khỏe cho cây, cho người. Nhiều người bảo vợ chồng bà “hâm”, làm nông nghiệp vì đam mê. Bà Thanh cười, đúng là vì đam mê thật. Lúc đấy bà chỉ nghĩ, vợ chồng bà quay trở về với nghề nông khi đã ở cái tuổi ngoài 60. Nguồn thu nhập là một chuyện, phải vui phải khỏe mới là điều ông bà quan tâm hơn cả.
“Thuận vợ thuận chồng”, dù trái cây đậu quả không nhiều như hoa quả sản xuất thông thường, mã cũng không được căng bóng, đẹp đều, nhưng đổi lại, vợ chồng bà thở khỏe, thở đều và ngày càng thêm yêu vườn, yêu đất.
Năm 2018, khi những lớp học đầu tiên về sản xuất hữu cơ được mở ở Phúc Ninh, vợ chồng bà Thanh tham gia ngay. Ngoài phân chuồng, phân xanh, bà biết cách làm thêm phân bón từ hoa quả, thức ăn thừa hằng ngày; bẫy ruồi vàng, bướm mắt đỏ hại quả hiệu quả hơn bằng những lồng bẫy ruồi vàng, vỉ dán… Càng được học, được hướng dẫn kỹ thuật lại càng ham. Sản xuất thuần tự nhiên như cách bà làm lâu nay vốn đã là cách làm đem lại nhiều lợi ích, sản xuất hữu cơ lại càng hiệu quả.
Khi Liên nhóm sản xuất hữu cơ Yên Sơn được thành lập, bà Thanh được những người làm vườn ở đây tin tưởng, giao trọng trách trưởng nhóm. Bà Thanh cười, có lẽ vì cái đam mê làm nông nghiệp sạch của bà truyền cảm hứng được đến nhiều người.
Chị Lê Thị Đông Anh, thôn Yên Sở cũng theo bà Thanh mà nhận được niềm vui lớn. Chị bảo, những ngày đầu mới làm hữu cơ, năng suất giảm đi 2/3, cũng lo lắm. Nhưng càng làm càng nhận thấy những cái được nhiều hơn cái mất, nên mình cứ yên tâm theo thôi. Như vừa rồi, vườn bưởi của gia đình chị bán được hơn 8 giá so với những vườn bưởi khác trong thôn, trong xã. Mức giá này, nếu so với công sức chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn, thì chưa hẳn là cao, nhưng với những người nông dân như chị Lê Thị Đông Anh, đã là sự ghi nhận của người tiêu dùng đối với cả quá trình “mình vì mọi người” rồi.
Nối dài niềm vui
Bước chân vào nhà Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ Phúc Ninh Tạ Văn Quang là ngào ngạt mùi chế phẩm lên men được ông kỳ công chuẩn bị cho những vườn cam, vườn bưởi và giờ là cả rau, cả đậu của gia đình. “Cả nhà mình giờ thuần hữu cơ hết rồi” - ông Quang khoe với khách. Vườn cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, đàn lợn, đàn gà nuôi trong chuồng cũng được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, cả luống rau, buồng chuối… cũng đều là hữu cơ cả.
Dẫu đã phải bán nửa diện tích vườn trồng cây ăn quả để theo đuổi hữu cơ, nhưng ông Quang chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng theo cách sản xuất này. Ông Quang bảo, học được cách ủ dịch chuối, cá, thức ăn thừa… với men vi sinh là mình mê cách sản xuất này luôn, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, lại vừa sạch nhà, gọn bếp.
Phúc Ninh hiện có trên 1.500 ha cây ăn quả, nhiều nhất là bưởi, 1.050 ha, còn lại là cam và na. 19,4 ha được cấp chứng nhận hữu cơ là con số còn khiêm tốn trong tổng diện tích cây ăn quả của xã, nhưng như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Nguyễn Mạnh Hà, đây thực sự là bước tiến và nỗ lực rất lớn trong sản xuất nông nghiệp của xã, nhất là trong bối cảnh sản xuất và tiêu dùng sạch đang đặc biệt được quan tâm như hiện nay.
Gọi là bước tiến lớn, như lời Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, cũng không ngoa. Vì theo ông Hà, thời điểm đầu tham gia liên nhóm sản xuất hữu cơ ở Phúc Ninh có gần 20 thành viên, trong đó có cả thành viên đến từ các xã lân cận như Chiêu Yên, Trung Môn (Yên Sơn), Đức Ninh (Hàm Yên). Mỗi năm, số lượng thành viên lại giảm đi một ít, đến thời điểm này chỉ còn 9 hộ gia đình kiên trì theo đuổi.
Ông Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh - một trong những hộ tham gia liên nhóm ngay từ đầu, nhưng đến bước cuối cùng là mang mẫu sản phẩm đi kiểm tra thì… vườn lại mất mùa.
Diện tích vườn gần 5 ha, ông Bình chuyển đổi tất cả sang sản xuất hữu cơ. Có điều kiện, ông là người đầu tiên ở thôn và cả ở xã Phúc Ninh bỏ tiền mua công nghệ sản xuất dung dịch phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ. Công nghệ này, ông vừa để phục vụ chăn nuôi, vừa để trồng trọt. Ông Bình bảo, năm nay không có sản phẩm để được chứng nhận hữu cơ, nhưng bù lại, ông lan tỏa công nghệ sản xuất sạch đến với người nông dân nhiều địa phương, khi mỗi tháng từ công nghệ này, gia đình ông sản xuất từ 1.000 - 1.500 lít dung dịch đạm cá để phục vụ bà con chăn nuôi và trồng trọt.
Ông Bình chia sẻ, về lâu dài, ông sẽ tập trung làm thương hiệu cho sản phẩm này, để việc sản xuất hữu cơ của gia đình ông cũng như người dân xã Phúc Ninh được đảm bảo hơn.
Những vườn cây ăn trái ở Phúc Ninh giờ đang chuyển dần sang tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Dẫu còn khó khăn, nhưng như niềm tin của Trưởng nhóm sản xuất hữu cơ Yên Sơn Đỗ Thị Thanh, khi người tiêu dùng ngày càng có trách nhiệm hơn với việc họ sẽ ăn gì và ăn như thế nào, thì câu chuyện sạch từ trang trại đến bàn ăn chắc chắn sẽ là câu chuyện không còn xa nữa.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/de-niem-vui-them-dai-167787.html