Để nông nghiệp bắt kịp xu hướng hiện đại: Liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp bền vững
Mặc dù, vấn đề liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp đã được đặt ra từ lâu, nhưng hiện nay việc thực hiện vẫn chưa hiệu quả, chưa tạo ra động lực phát triển. Vì vậy, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Mô hình sản xuất dưa Taki Nhật Bản trong nhà lưới tại xã Nga Thạch (Nga Sơn) cho năng suất, hiệu quả cao. Ảnh: Lê Hợi
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh, tăng khả năng kết nối, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời, thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tạo thành những vùng nguyên liệu ổn định phục vụ nhu cầu chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh, nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh cũng ban hành các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng cánh đồng mẫu lớn...
Trong những năm qua, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) đã liên kết với các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng các vùng sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây rau, củ, quả làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Đến nay, công ty đang liên kết sản xuất với các HTX của 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với tổng diện tích lên tới 2.300 ha. Trung bình, 1 ha ngô ngọt đạt doanh thu 150 triệu đồng/năm, đậu tương 230 triệu đồng/năm, rau chân vịt 240 triệu đồng/năm, chuối 315 triệu đồng/năm, dứa đạt 200 triệu đồng/năm... Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Doanh nghiệp luôn chú trọng hợp tác, xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, dựa trên các đặc điểm về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng khác nhau. Các loại cây trồng hiện đang được liên kết, gồm: ngô ngọt, đậu tương rau, chuối Cavendish, dứa, măng bát độ... theo hình thức công ty thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân, đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và cam kết thu mua 100% sản phẩm đủ tiêu chuẩn theo đúng giá hợp đồng đã ký. Trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, nếu xảy ra thiên tai công ty có chính sách giảm trừ, chia sẻ thiệt hại với người dân. Hiện, công ty mong muốn tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện hơn nữa để công ty mở rộng hợp tác với các HTX, người nông dân để sản xuất các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu chế biến sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã có 60.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng triệu con gia súc, gia cầm được sản xuất theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp. Các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tiêu biểu, như: Vùng sản xuất mía nguyên liệu tại 15 huyện liên kết sản xuất với các nhà máy đường với diện tích 17.084 ha; vùng sản xuất sắn nguyên liệu tại 10 huyện miền núi với diện tích 9.624 ha; các vùng sản xuất lúa giống ở các địa phương với 3.264 ha; sản xuất lúa thương phẩm gắn với bao tiêu sản phẩm 6.500 ha... Đây là những hình thức liên kết chặt chẽ, có sự chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro giữa doanh nghiệp và người nông dân. Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng tỉ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung. Hiện nay, trong quy hoạch vùng huyện ở các địa phương trong tỉnh, việc phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được các địa phương ưu tiên quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lợi thế của địa phương nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hoặc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn, từ đó xây dựng và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa.
Để từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc và khu vực Tây Nguyên; lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc; Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế... Thông qua các hội chợ, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh đã được quảng bá rộng rãi đến các thị trường ngoài tỉnh về chất lượng, thương hiệu, ký kết cung cấp sản phẩm.
Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách gây cản trở quá trình liên kết vùng. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX... vẫn còn nhiều khó khăn khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản chưa được như cam kết. Trong hợp tác giữa các địa phương về liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; phối hợp tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương chưa được thường xuyên, liên tục. Trước yêu cầu mới trong sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra những điều kiện để tăng cường liên kết sản xuất vùng, đó là tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện liên kết vùng huyện, vùng tỉnh và cả nước. Ban hành cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác. Cần điều tra đánh giá tài nguyên đất, nước để có đủ căn cứ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững. Tăng cường kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của vùng. Tổ chức các hội nghị trực tuyến, giao ban để có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong vùng từ đó chủ động trong công tác sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Đa dạng hóa, huy động và sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước về kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại và du lịch. Xây dựng một số nội dung phối hợp, hỗ trợ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong nông nghiệp. Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có nội dung mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp của tỉnh mở rộng liên kết, sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.