Để nông nghiệp hấp dẫn doanh nghiệp

Nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Công ty TNHH Nấm Phùng Gia (xã Tam Hợp- Bình Xuyên) mong muốn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm ăn cao cấp nhằm mang lại sản phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng

Công ty TNHH Nấm Phùng Gia (xã Tam Hợp- Bình Xuyên) mong muốn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm ăn cao cấp nhằm mang lại sản phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng

Từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022, trên cơ sở Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục các dự án khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đăng tải danh mục hơn 20 dự án kêu gọi thu hút đầu tư như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm ăn cao cấp tại xã Tam Hợp (Bình Xuyên); sản xuất và chăn nuôi lợn thịt sạch tại xã Liên Châu; đầu tư vùng sản xuất rau, hoa, quả an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP tại xã Tam Hồng (Yên Lạc); cấp nước sinh hoạt tập trung liên xã Đôn Nhân, Nhân Đạo, Lãng Công, Quang Yên (Sông Lô); xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước cho xã Liên Hòa (Lập Thạch)...

Đây là cơ hội để các DN đầu tư xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng KHCN, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu nông sản.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm nho sạch có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ người tiêu dùng, thời gian qua, Công ty TNHH nông nghiệp sạch Chân Chính, xã Tam Hồng (Yên Lạc) đã quy hoạch, đầu tư gia trại trồng 4.300 gốc nho trên diện tích 10.000 m2.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc công ty cho biết: "Nho Hạ Đen không hạt là loại cây khó tính với khí hậu miền Bắc nước ta, nếu không được đầu tư bài bản thì rủi ro rất cao. Vì vậy, tôi đã đầu tư mô hình theo hướng công nghệ cao với hệ thống nhà giàn có mái che, hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng gốc.

Trong quá trình chăm sóc, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, qua đó tạo ra những chùm nho thơm ngon, ngọt đậm, không hạt và năm 2021 sản phẩm nho đen không hạt của công ty được UBND tỉnh công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao.

Để tiếp tục thực hiện trồng nho sạch, DN mong muốn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp của tỉnh để sản xuất rau, hoa, quả an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP; mở rộng diện tích 20.000 m2, trồng 8.000 gốc nho với sản lượng ước đạt 30-40 tấn/năm".

Xác định DN là “đầu tàu” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút tổ chức, cá nhân, DN, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ chênh lệch lãi suất với mức tối đa 1 tỷ đồng lãi vay/dự án cho DN đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị quyết số 87 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025; tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện các dự án đầu tư.

Giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành 6 dự án cung cấp nước sạch với tổng vốn đầu tư 630 tỷ đồng; 3 DN được UBND tỉnh cấp quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 202 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Hỗ trợ 8 nhà lạnh bảo quản nông sản gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại các HTX nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng, cấp 15 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, NewZealand.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 16 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; hơn 2.100 DN đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có 141 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 2 DN FDI. Hết năm 2021, có 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn hơn 63%, tăng 0,64% so với năm 2020.

Tuy nhiên, số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chưa đến 10% tổng số DN trên địa bàn tỉnh; điều đáng nói, 96% trong số này là DN nhỏ và siêu nhỏ. Điều này cho thấy, cộng đồng DN vẫn chưa mặn mà với nông nghiệp, dù đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với phát triển KT- XH.

Theo nhiều DN, đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh và lợi nhuận thu về không cao khiến khả năng quay vòng vốn chậm. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi nguồn vốn lớn, tỷ lệ sinh lời thấp dẫn đến nhiều rủi ro khó lường.

Mặt khác, “khoảng trống” giữa chính sách với thực thi trong thực tiễn còn rất lớn như DN khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ, ưu đãi tín dụng, lãi suất… khiến nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp từ nông nghiệp; hỗ trợ DN tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế; tháo gỡ vướng mắc cho DN đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh của từng địa phương.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76844/de-nong-nghiep-hap-dan-doanh-nghiep.html