Để nông sản Quảng Ninh rộng đường xuất ngoại

Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển nông, lâm, thủy sản. Để đưa các nông sản của Quảng Ninh vươn xa hơn, nhất là thị trường nước ngoài, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng tầm, nâng chất sản phẩm, đẩy mạnh kết nối thị trường xuất khẩu.

Mô hình trồng cây chanh leo xuất khẩu tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà).

Mô hình trồng cây chanh leo xuất khẩu tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà).

Phát huy lợi thế vùng nuôi trồng

Quảng Ninh có vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, với các vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản phong phú. Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 91 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP, tổng diện tích 1.095ha; 4 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (quế, lúa), tổng diện tích 419ha; 9 cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng được cấp mã số; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 59 loại nông sản an toàn được xác nhận.

Với những lợi thế đó, các nông sản của Quảng Ninh hoàn toàn có tiềm năng để “xuất ngoại” sang Trung Quốc và có thể hướng tới các nước phương Tây. Chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam với Trung Quốc" đầu tháng 3-2023, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: 2 nước có vị trí địa lý tiếp giáp nhau, thuận lợi trong trao đổi, vận chuyển hàng hóa với chi phí vận tải khá rẻ. Đặc biệt, thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, trong khi cơ cấu sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa 2 nước lại có tính bổ trợ cho nhau. Do đó nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam rất lớn. Chúng ta có thể giao lưu hàng hóa thuận tiện. Tuy nhiên để đáp ứng các các tiêu chuẩn hàng hóa khi xuất khẩu Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, cần đảm bảo hết sức về tính nghiêm ngặt trong tiêu chí xuất khẩu với hàng nông, lâm, thủy sản. Đây là điều kiện tiên quyết để các sản phẩm có thể xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) kiểm tra chất lượng tôm thương phẩm của Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên). Ảnh Chi cục Thủy sản cung cấp

Để đưa các nông sản của tỉnh vươn xa hơn, tiến đến xuất khẩu, đặc biệt là thị trường phương Tây, các ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực kết nối, tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện sản phẩm và kết nối thị trường xuất khẩu. Các địa phương đang tích cực phát triển các loại cây chủ lực, cây có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị, bước đầu đáp ứng những tiêu chuẩn để xuất khẩu. Điển hình, huyện Đầm Hà đang phát triển trồng cây chanh leo theo Đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung đến năm 2030; hiện đã phát triển được 3ha, cho hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu.

Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà), chia sẻ: Cuối tháng 11-2023, qua tìm hiểu và được sự hỗ trợ của huyện về nguồn kinh phí đào tạo, tập huấn, 70% kinh phí giống, phân bón, vật tư với tổng số tiền 323 triệu đồng cho mô hình, HTX đã chuyển từ trồng rau màu sang trồng cây chanh leo. Toàn bộ 3ha trồng chanh leo được thực hiện quy trình trồng cây hữu cơ. Quá trình chọn giống, trồng, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản chanh leo được cán bộ xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và đơn vị thu mua là Công ty CP Sài Gòn - Gia Lai hướng dẫn, tập huấn chi tiết. Đến nay đã thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 1 tấn quả. Vườn chanh leo được đánh giá đạt tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cán bộ xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) kiểm tra điều kiện xuống giống nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè 2024 trên địa bàn.

Cán bộ xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) kiểm tra điều kiện xuống giống nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè 2024 trên địa bàn.

Thủy sản cũng là một trong những thế mạnh phát triển của tỉnh. Vì vậy, việc đầu tư KHCN, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản đang được quan tâm đẩy mạnh, dành nhiều nguồn lực để phát triển trên cơ sở tranh thủ lợi thế vùng biển tự nhiên và chủ động định hướng sản xuất phù hợp.

Quảng Ninh đang phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, chủ yếu ở Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên. Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, sản lượng tôm tăng mạnh qua các năm; năng suất trung bình đạt hơn 10 tấn/ha/vụ, có những mô hình đạt năng suất 25-30 tấn/ha/vụ.

Ngành nuôi tôm Quảng Ninh có nhiều lợi thế kết nối tiêu thụ tới các thị trường trong nước và xuất khẩu nhờ các yếu tố: Dịch vụ logistics phát triển; thuận tiện trung chuyển hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng cả đường bộ, đường biển, đường hàng không; tỉnh có nhiều dự án nuôi tôm nổi bật được các tập đoàn lớn đầu tư quy mô, như: Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản của Tập đoàn Việt - Úc tại huyện Đầm Hà; Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) tại TP Cẩm Phả... Đây là động lực để phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 500ha liên kết chuỗi nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, sản lượng ước đạt 2.100 tấn; đến năm 2030 là 4.848ha, sản lượng đạt 25.650 tấn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 (CK). Riêng tháng 5-2024 đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% CK. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động XNK của Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, cho thấy XNK đang khởi sắc trở lại, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, sản phẩm tiềm năng tiếp cận thị trường.

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh.

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 7-2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết. Đây cũng là cơ hội lớn để nông sản Quảng Ninh mở rộng thị trường. Theo đó, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới cách thức sản xuất, nuôi trồng, ứng dụng KHCN; đồng thời phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh để hướng tới người tiêu dùng và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc... Đồng thời có văn bản gửi các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách mới theo Lệnh 248, 249 được áp dụng và có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhằm giúp các doanh nghiệp nắm được thông tin và tạo sự chủ động trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Sở NN&PTNT luôn đồng hành, ưu tiên nguồn lực, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm và chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp; qua đó thúc đẩy chế biến sạch, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho nông sản của tỉnh. Định hướng lâu dài, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư nâng cấp cơ sở nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn ATTP theo tiêu chuẩn xuất khẩu, để được cấp phép bổ sung doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu...

Đặc biệt, nông sản của Quảng Ninh ngày càng nâng tầm, nâng chất, đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22-4-2022). Mục tiêu của Đề án là phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS)...; tăng giá trị kinh tế và tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết đảm bảo quy mô, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Chế biến hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh.

Chế biến hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh.

Với việc phát huy lợi thế sẵn có, nỗ lực đáp ứng những yêu cầu của thị trường nước ngoài, nhiều nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, có tiềm năng. Điển hình đã kết nối được cho các sản phẩm nến, nước mắm, thủy sản... sang các thị trường Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Malaysia; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tìm kiếm đối tác xuất khẩu sản phẩm cá song, ngao, hàu, sản phẩm OCOP sang thị trường Trung Quốc, dầu ăn của Công ty TNHH Dầu thực vật sang thị trường Nhật Bản…

Thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi tư duy quản lý, quy hoạch SXKD theo hướng chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập; tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến, đóng gói, vận chuyển; đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn; liên kết sản vùng sản xuất, chuỗi sản xuất…

Minh Đức (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/160552/de-nong-san-quang-ninh-rong-duong-xuat-ngoai