Để nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện để nông sản của tỉnh có mặt ngày càng nhiều ở thị trường trong và ngoài nước.

HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao trung bình mỗi ngày cung cấp 3 - 4 tấn nông sản cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh.

HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao trung bình mỗi ngày cung cấp 3 - 4 tấn nông sản cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh.

(baophutho.vn)

- Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện để nông sản của tỉnh có mặt ngày càng nhiều ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc đưa nông sản vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn là “bài toán” không dễ đối với người nông dân. Vì vậy, để lên được các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch cần có sự vào cuộc của “4 nhà”.
Triển vọng mới cho nông sản tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và trên 100 cửa hàng Vinmart+, cửa hàng tiện ích, có quy mô từ 100 - 500m2 đang hoạt động ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại nông sản của tỉnh có cơ hội vào các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh đã có gần 60 sản phẩm nông sản, thực phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như rau, củ, quả; các loại bánh đã qua chế biến; thịt các loại; chè và các loại dầu ép ra từ nông sản bày bán ở siêu thị Big C, Vinmart, Coopmart...
Là vùng sản xuất rau an toàn lớn của tỉnh, Lâm Thao hiện có trên 1.100ha rau màu với nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo quy trình VietGAP. Với sự cố gắng của các cấp, chính quyền và sự nhạy bén, năng động của người dân, trên địa bàn huyện đã có 3 doanh nghiệp, HTX đưa thành công sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: HTX rau an toàn Tứ Xã, HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao, Công ty cổ phần Omega.Có mặt ở khu sơ chế rau của HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Lâm Thao từ rất sớm nhưng chúng tôi chứng kiến không khí ở đây rất nhộn nhịp, mỗi người một việc: Đóng gói, dán tem, chia túi, làm sạch… để sản phẩm đảm bảo các tiêu chí trước khi lên xe vận chuyển đến các kho của siêu thị Vinmart. Trung bình mỗi ngày, HTX có 2 xe vận chuyển 3 - 4 tấn rau, đủ các loại mặt hàng, theo hợp đồng đã ký kết. Anh Hoàng Thạch Chất - Giám đốc HTX cho biết: “Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp nhưng HTX chúng tôi cung cấp mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu thụ vẫn ổn định như thường ngày. Hiện nay, hơn 50 thành viên của HTX vẫn duy trì ổn định sản xuất trên 10ha sản xuất rau, củ, quả. Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để thay đổi phương thức, hình thức sản xuất cho các thành viên và hoàn thiện các loại giấy tờ hồ sơ pháp lý, kiểm định chất lượng, quảng bá thương hiệu để sản phẩm có mặt trên thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại”. Theo anh Chất, để các sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng sản phẩm luôn phải được đảm bảo, số lượng ổn định và cần phải quan tâm tới đầu tư thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm. Không chỉ chủ động sản xuất tại chỗ, HTX còn thực hiện liên kết với các vùng rau an toàn, đủ tiêu chuẩn ở các tỉnh lân cận để đảm bảo số lượng cung ứng cho siêu thị, nhất là các loại rau trái vụ. Cùng với sự thay đổi tư duy, nếp nghĩ và cách làm của người dân trong sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, siêu thị thu mua cũng đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong tỉnh có cơ hội hợp tác, tiêu thụ nông sản địa phương. Ông Ngô Xuân Hiến - Phó Giám đốc siêu thị Coppmart Việt Trì cho biết: “Với hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống siêu thị là hàng Việt, những năm qua, chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu hợp tác với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh nhằm tạo cơ hội, điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất; đồng thời quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường cho nông sản tỉnh vươn xa hơn và ngược lại, chúng tôi cũng đa dạng được mặt hàng, chủng loại, chất lượng hàng hóa đảm bảo. Hiện nay, tại siêu thị Coopmart Việt Trì, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với gần 10 cơ sở sản xuất, hợp tác xã với trên 30 loại sản phẩm khác nhau đạt tiêu chuẩn về chất lượng với số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lựa chọn, khảo sát, thử nghiệm và đàm phán, ký kết hợp đồng đối với một số sản phẩm đủ tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của tỉnh”.Việc đưa nông sản vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi song song với kênh bán hàng truyền thống góp phần khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực mở rộng diện tích, chú trọng đến chất lượng sản phẩm để ổn định việc cung ứng hàng hóa, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh.

HTX mì gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì hiện đã có 2 dòng sản phẩm bày bán trong hệ thống siêu thị Coopmart.

HTX mì gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì hiện đã có 2 dòng sản phẩm bày bán trong hệ thống siêu thị Coopmart.

Tăng cường kết nối, mở rộng thị trường

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng, mua sắm của người dân, nhất là ở các khu vực thành thị đang chuyển từ chợ truyền thống sang sử dụng kênh bán hàng hiện đại, phương thức thanh toán nhanh gọn. Vì vậy, việc đưa nông sản vào các kênh bán lẻ hiện đại không chỉ giúp đơn vị sản xuất có đầu ra ổn định, chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh mà còn góp phần nâng tầm vị thế nông sản.
Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa nông sản vào siêu thị không phải là việc dễ dàng bởi người dân chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên năng lực cung ứng sản phẩm của các cơ sở sản xuất còn hạn chế; thói quen mua sắm của người tiêu dùng vẫn ưu tiên về các chợ truyền thống với tâm lý hàng hóa trong siêu thị thường đắt hơn ngoài chợ vì phải chịu thêm phí thuê mặt bằng, nhân viên... Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, HTX nông sản còn hạn chế trong việc đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ như: Đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm định, hồ sơ công bố chất lượng các quy chuẩn và ít chú trọng đến đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mẫu mã sản phẩm… Để khắc phục các hạn chế trên, ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Với vai trò là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với các hộ kinh doanh, HTX, cơ sở sản xuất cung ứng nông sản về các điều kiện mà đơn vị phân phối đưa ra; thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo để tạo sự kết nối giữa các siêu thị và đơn vị sản xuất, tạo tiếng nói chung, tiến tới hợp tác lâu dài, bền vững; đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và có cơ hội để đưa vào hệ thống phân phối ngoài tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh đơn lẻ phát triển thành nhóm, tổ sản xuất khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng và hệ thống bán lẻ hiện đại, góp phần ổn định giá cả thị trường, tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa - doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh”.Nhằm nâng cao giá trị nông sản, thời gian tới, Sở Công thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, mạng lưới phân phối, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương; tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp để phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt tới thị trường nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng, giải pháp đưa sản phẩm nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh để đơn vị sản xuất có những kiến thức cơ bản về các quy định, tiêu chuẩn cung ứng nông sản, cách thức tham gia vào hệ thống siêu thị; tư vấn giải pháp cải thiện điều kiện sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán hàng trong siêu thị và các cửa hàng tiện lợi.Cùng với sự nỗ lực của nông dân cần có sự vào cuộc của các ngành Nông nghiệp và PTNT, Công thương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để nông sản vào được siêu thị, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202106/de-nong-san-vao-sieu-thi-cua-hang-tien-loi-177450