Để nông sản Việt không bị 'lỗi nhịp' trên sân nhà

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt 'chắc chân' trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra thị trường thế giới.

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, nông sản Việt Nam liên tiếp chinh phục hàng loạt các thị trường cao cấp với các tiêu chuẩn khắt khe nhất như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… Thế nhưng, với thị trường nội địa 100 triệu dân, việc yêu cầu sản xuất và phân phối theo các tiêu chuẩn, quy định dường như còn lỏng lẻo. Đây là một nghịch lý và thách thức đang đặt ra cho ngành nông nghiệp nói chung và nông sản Việt nói riêng.

Vẫn còn ..."vàng thau lẫn lộn"

Ông Vũ Quang Dự, giám đốc Cty TNHH MTV Ocean Line cho biết, sản phẩm Dầu Sở xứ Lạng của công ty đang được xuất khẩu sang Trung Quốc, dự kiến xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, EU… tuy nhiên lại khó khăn trong việc tiếp cận thị trường trong nước.

Ông Dự cho hay, nguyên nhân do sự cạnh tranh về giá khi sản phẩm này có giá thành khá cao, công ty xác định phân khúc là hàng quà tặng, quà biếu và người tiêu dùng cao cấp.

Thực tế cho thấy, ngoài cạnh tranh về giá, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sự thiếu đầu tư đồng bộ đang là rào cản khiến nông sản lỗi nhịp tại sân nhà

Còn bà Vy Thị Lụa giám đốc HTX nông sản Lụa Vy (Lạng Sơn) chia sẻ: “Sự quan tâm của các cơ sở nhỏ lẻ như chúng tôi là việc đầu tư cơ sở vật chất, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn gồm các dự án cho vay, tiếp cận mua mới, hỗ trợ về máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng".

Nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt trước khi vươn ra thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa)

Nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt trước khi vươn ra thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, cả nước có khoảng 480.000 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (trong đó, rau trồng theo tiêu chuẩn này chiếm khoảng trên 10%), còn số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 8.304 cơ sở.

Ngoài ra, có gần 90.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. So với quy mô trồng trọt và chăn nuôi của cả nước, diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGap hiện còn khá khiêm tốn.

Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa có quy định bắt buộc các siêu thị, trung tâm thương mại, hay các chợ đầu mối… bán sản phẩm VietGap nên chất lượng các sản phẩm trên thị trường “vàng thau lẫn lộn”. Người tiêu dùng tìm mua những sản phẩm chất lượng như hàng xuất khẩu rất khó, chưa kể hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tập trung ở thị trường bên ngoài.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.

Để hàng Việt chinh phục thị trường Việt

Dưới góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để hàng Việt chinh phục người Việt là chất lượng hàng hóa.

“Để nông sản Việt đáp ứng được tiêu chuẩn, tôi đề nghị cơ quan chức năng Trung ương và địa phương hỗ trợ bà con nông dân, nhà cung ứng từ việc đảm bảo các yếu tố pháp lý, đặc biệt phải đảm bảo việc trích xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa để đưa nông sản vào các siêu thị” - bà Dung nói.

Bàn về tiềm năng xúc tiến tiêu thụ qua thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử có quy mô thị trường lớn. Nếu đẩy mạnh được việc kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay đây là hỗ trợ rất là tốt. Đặc biệt, tính mùa vụ nếu phải tiêu thụ số lượng lớn trong thời gian ngắn thì hệ thống thương mại điện tử hỗ trợ rất tốt. Nó sẽ phổ cập đến người tiêu dùng khắp mọi miền, có thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến như hỗ trợ quảng bá, truyền thông.

Ngoài ra, với các sản phẩm trong thương mại điện tử rất cần được đào tạo. Cụ thể, là đào tạo các doanh nghiệp bán hàng, phương pháp livestream… Quy định về truy xuất nguồn gốc, người dùng vẫn còn tính né tránh, không đưa tiêu chuẩn đã đạt được vào các sản phẩm chính vì vậy nó dẫn đến những sản phẩm không minh bạch không được quan tâm. “Do vậy, chúng ta cần hướng dẫn cho người nông dân, người bán hàng trên thương mại điện tử tính minh bạch và bảo vệ sản phẩm thương hiệu của mình là điều cần thiết” - ông Minh cho hay.

Hiện Bộ Công thương đang triển khai quyết định 4968 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số cho hoạt động xúc tiến thương mại. Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng một hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số. Có hai nền tảng ứng dụng trong hệ sinh thái này phù hợp với việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Một là hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại itrace24/7, hai là xây dựng bản đồ số về nông sản Việt Nam.

Khánh Khoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/de-nong-san-viet-khong-bi-loi-nhip-tren-san-nha-1101395.html