Để nộp hồ sơ cấp phép xây dựng hợp lệ, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần

Để có thể được tiếp nhận hồ sơ một cách hợp lệ, các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần, trung bình từ 3 lần cho mỗi thủ tục, đối với các công trình có quy mô lớn thì thời gian kéo dài hơn nhiều.

Đây là thông tin được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ góc nhìn của doanh nghiệp (DN).

Đán quan tâm, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng đã có một số cải thiện trong thời gian qua, tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa được như kỳ vọng của các doanh nghiệp.

Điểm số về thứ hạng cấp phép xây dựng trong Doing Business của Việt Nam khá cao, nhưng phương pháp đo lường của Doing Business vẫn dựa nhiều vào quy định pháp luật về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, nhiều doanh nghiệp cho biết điều này có thể chưa phản ánh được hết thực tế thực hiện quy định.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù quy định về thời gian để làm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng tương đối rõ ràng, nhưng đều là tính từ lúc tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, để có thể được tiếp nhận hồ sơ một cách hợp lệ, các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần, trung bình từ 3 lần cho mỗi thủ tục, đối với các công trình có quy mô lớn thì thời gian kéo dài hơn nhiều. Như vậy, có sự khác biệt khá lớn từ quy định đến thực tiễn đối với các thủ tục hành chính về xây dựng.

Các doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện thủ tục xin cấp phép xây dựng (ảnh tư liệu)

Các doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện thủ tục xin cấp phép xây dựng (ảnh tư liệu)

Đáng quan tâm, năm 2018, có 63% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải thực hiện các thủ tục hành chính về phòng cháy chữa cháy. Đây là mức rất cao khi so sánh với các loại thủ tục hành chính mang tính giấy phép con khác như giấy phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện, chứng nhận hoặc công bố hợp quy, giấy phép quảng cáo…

Trong số đó, có 30% các doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.

Một vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp là thủ tục xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy và thẩm định thiết kế xây dựng vẫn tách biệt, chứ chưa thực hiện liên thông.

Bộ Xây dựng và Bộ Công an cũng đã từng có những cuộc làm việc để tìm phương án liên thông thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, song vẫn còn quá nhiều sự khác biệt trong các quy định pháp luật và cách thức thực hiện thủ tục hành chính giữa hai bộ để có thể thực hiện liên thông. Các vấn đề chính nằm ở diện thành phần hồ sơ và phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Đây là những vấn đề nằm trong quy định tại luật và cấp nghị định. Do đó, nếu muốn thực hiện liên thông hai thủ tục này thì cần có sự thống nhất chỉ đạo từ phía Chính phủ và Quốc hội chứ không thể chỉ là việc của hai Bộ.

Khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp về khả năng liên thông thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng thì nhiều doanh nghiệp đồng tình, nhưng cũng vẫn có nhiều lo ngại về tính khả thi.

Do thực tế là các thủ tục này chưa có tiêu chí rõ ràng nên tình trạng hồ sơ của doanh nghiệp bị trả về nhiều lần. Nếu thực hiện liên thông mà một thủ tục bị từ chối thì doanh nghiệp lại phải làm lại cả hai, như vậy sẽ còn mất thời gian hơn là làm đơn lẻ.

“Bởi vậy, một vấn đề cần thiết là phải có các tiêu chí rõ ràng trong việc thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Mặc dù có các khó khăn như vậy, song việc liên thông thực hiện thủ tục hành chính về xây

dựng và phòng cháy chữa cháy (có thể thêm cả thủ tục về môi trường) là vấn đề cần được nghiên cứu để thực hiện nếu muốn cải thiện môi trường đầu tư cho các dự án sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”, VCCI nêu rõ.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-nop-ho-so-cap-phep-xay-dung-hop-le-doanh-nghiep-van-phai-di-lai-nhieu-lan-174042.html