Để nước chảy trên những công trình cấp nước tự chảy
PTĐT - Toàn tỉnh hiện có 131 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đưa vào sử dụng, bao gồm 34 công trình cấp nước bằng bơm dẫn, 97 công trình cấp nước tự chảy. Trong khi đa số các công trình cấp nước bằng bơm dẫn vẫn đang hoạt động thì phần lớn các công trình cấp nước tự chảy, sau quá trình vận hành, sử dụng, hoạt động không hiệu quả, nhiều công trình đã bị bỏ hoang.
Kỳ 1: Những công trình “đắp chiếu”
Trong tổng số 131 công trình cấp nước tập trung, số công trình hoạt động bền vững là 39 công trình, hoạt động bình thường 33 công trình, hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động là 59 công trình (chiếm gần 50%).
Do được đầu tư từ nhiều nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135...với nhiều chủ đầu tư nên đầu tư kéo dài, mô hình quản lý, vận hành công trình đa dạng, phức tạp gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các cấp, ngành liên quan. Hiện nay, tại các huyện miền núi đa số các công trình cấp nước tự chảy đang trong tình trạng “ngoắc ngoải”.
Tại huyện Yên Lập, hầu hết các công trình nước tự chảy có “tuổi thọ” trên dưới 15 năm, đến nay nhiều công trình không hoạt động, không đạt công suất hoặc hoạt động kiểu khi được khi mất. Năm 2002, xã Thượng Long được đầu tư xây dựng hai công trình nước sạch tự chảy ở khu Ói Lốc và khu Đồng Hù cấp nước cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, người dân chỉ được sử dụng nước sạch vài năm rồi sau đó lại trở về cách dẫn nước truyền thống từ trên núi hoặc khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Ngoài hệ thống công trình cấp nước, dẫn nước bị hư hỏng thì một lý do nữa khiến công trình “đắp chiếu” là do nguồn sinh thủy đã cạn kiệt. Ngay chân đập hồ Thượng Long, Công ty CP Cấp nước Phú Thọ đã xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân các xã và thị trấn Yên Lập, bởi thế công trình nước tự chảy cũng dần bị lãng quên.
Ông Bùi Tiến Vỹ- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập bày tỏ: Một số công trình bị ngừng hoạt động do thiếu ngưồn nước, hoặc nguồn nước không đảm bảo sử dụng cho sinh hoạt, do không đánh giá được hết trữ lượng và sự biến đổi khí hậu trong công tác khảo sát thiết kế. Các công trình nước sạch tại huyện xây dựng đã lâu, chủ yếu từ năm 1998 đến 2009 nên nhiều thiết bị công trình bị hỏng mặc dù đã được nâng cấp sửa chữa.
Không chỉ ở huyện Yên Lập mà tình trạng các công trình cấp nước tự chảy bị bỏ hoang cũng đang diễn ra tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn... Nguyên nhân chủ yếu do công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng và không có nguồn nước. Ví dụ như công trình cấp nước tự chảy xóm Tu Chạn xã Thượng Cửu (Thanh Sơn) ngừng hoạt động từ năm 2009 do hư hỏng toàn bộ. Công trình ở xóm Nà Nơm, xã Thu Ngạc (Tân Sơn) ngừng hoạt động năm 2014 do thiếu nguồn sinh thủy… Các công trình hoạt động kém hiệu quả, hoặc ngừng hoạt động còn bởi yếu tố nữa là công trình cấp nước tự chảy phần lớn được xây dựng ở vùng miền núi với địa hình phức tạp, tuyến ống dài, có nơi không gần khu dân cư nên khó bảo quản, trông coi. Những năm gần đây do hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét mưa lớn xảy ra thường xuyên nên ảnh hưởng rất lớn đến các công trình, mức nước tại các đập chứa hoặc tuyến đường ống đi qua các khe, suối ngày càng suy giảm, cạn kiệt, chất lượng kém, trong khi đó nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao nên nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một số cụm dân cư, làm giảm hiệu quả đầu tư của công trình... Hầu hết các công trình có quy trình làm thủ tục đầu tư dài, khi triển khai xây dựng khó khăn về vốn nên kéo dài thời gian xây dựng hơn dự kiến, dẫn tới đầu tư thiếu đồng bộ. Mặt khác, quá trình triển khai xây dựng dự án chỉ chú trọng công tác xây lắp mà thiếu quan tâm đến các hoạt động quản lý vận hành sau đầu tư như sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình, xây dựng và thi hành quy chế sử dụng nên khi bị hư hỏng, không được khắc phục kịp thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả công trình. Việc giao cho UBND các xã mà không thành lập Ban quản lý vận hành, không có quy chế quản lý, không thu tiền nước hoặc nếu có cũng chỉ là "chiếu lệ" dẫn đến việc các công trình bị hư hỏng, mất đường ống, thiết bị, không có kinh phí để duy tu, sửa chữa...Vì thế với các công trình nước tự chảy, những địa phương nào làm tốt xây dựng quy chế đóng góp, phân công người chịu trách nhiệm quản lý, vận hành thì công trình hiệu quả; ngược lại dễ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” dẫn đến quá nửa số công trình nước tự chảy bị hư hỏng, xuống cấp như hiện nay.Kỳ 2: Để công trình hiệu quả khi “chìa khóa trao tay”