Để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách

Tại hội nghị tuyên dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế năm 2020 được tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, hội doanh nghiệp nêu lên một số giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách thời gian tới. Báo Phú Yên lược ghi những ý kiến này.

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HỒ THỊ NGUYÊN THẢO:

Tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế phát triển

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận quan trọng của xã hội, là bộ phận chủ yếu tạo ra công ăn, việc làm; sản xuất ra của cải, vật chất; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển một cách bền vững.

Trong giai đoạn hiện nay, Phú Yên đang tiếp tục, kiên trì thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Do đó, các sở, ban ngành, địa phương cần có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững và ổn định. Thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khi giải quyết các thủ tục hành chính.

Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những phản ánh, khó khăn của doanh nghiệp và người dân để nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh, bộ, ngành trung ương giải quyết, tạo thuận lợi nhất đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống và thành quả đạt được, chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

* PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ PHÚ YÊN CÔNG VĂN LÃNH:

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2021 được HĐND tỉnh giao, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp từ giao dự toán, phát động phong trào thi đua đến tham mưu các cấp, ngành trong việc phối hợp quản lý thu, bám sát nguồn thu, khai thác các nguồn còn tiềm năng, đồng thời chống thất thu ngân sách để đảm bảo số thu đạt mức cao nhất.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách.

Trước tình hình này, với phương châm đồng hành cùng người nộp thuế, Cục Thuế Phú Yên luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Những quyền lợi doanh nghiệp được hưởng để giảm bớt chi phí như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp thuế, khai thuế, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục thuế, giải quyết hoàn thuế, miễn giảm thuế... đều được thực hiện kịp thời giúp người nộp thuế có nguồn lực tái sản xuất, duy trì, phát triển hoạt động kinh doanh.

* PHÓ GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN TRẦN VĂN TRÍ:

Hướng nguồn vốn vào những người nộp thuế tốt

Dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực rất lớn để duy trì, ổn định hoạt động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Về phần mình, ngành Ngân hàng luôn đồng hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉđạo các ngân hàng thương mại miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm từ 0,5-2% so với thông thường... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng suy cho cùng cũng là doanh nghiệp, mục tiêu hướng đến vẫn là lợi nhuận. Thế nhưng, suốt thời gian qua, ngân hàng đã thắt lưng buộc bụng, tiết giảm tối đa chi phí để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước.

Tuy nhiên, ngân hàng xác định vẫn sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn nỗ lực ổn định hoạt động, có ý thức nộp thuế tốt thì ngân hàng sẽ lưu tâm nhiều hơn, hướng nguồn vốn đến đối tượng này, nếu họ khó khăn thì quan tâm hỗ trợ. Bởi đây chính là những doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn tốt, có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG NGUYỄN THỊ KIM BÍCH:

Hỗ trợ phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để phòng chống dịch. Khi tỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ, việc đi lại khó khăn, doanh nghiệp phải giảm công suất nhà máy, dẫn đến năng lực sản xuất giảm đi đáng kể. Các hoạt động kinh doanh cũng ảnh hưởng rất nhiều. Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Là cơ quan thường trực Ban chỉđạo Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh (Ban chỉ đạo 919), thời gian qua, Sở Công thương đã nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Sở cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Về phần mình, ngành Công thương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, kết nối kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp ngân sách cho tỉnh.

CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN NGÔ ĐA THỌ:

Thu hút “đại bàng”, quan tâm “chim sẻ”

Thời gian qua, việc ngành Thuế nói riêng, các sở, ban ngành của tỉnh nói chung đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính đã giảm rất nhiều thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ, ngành Thuế tiếp tục hỗ trợ giãn, giảm thuế trong năm 2022 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn ngành Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ vốn để phát triển, bởi sau đại dịch, doanh nghiệp gần như cạn kiệt nguồn tiền, tài sản cũng đã thế chấp hết.

Hiện nay, nguồn thu bền vững là nguồn từ sản xuất kinh doanh. Do đó, ngay từ bây giờ, địa phương phải chú trọng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để “đại bàng” kéo về làm tổ. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần quan tâm hỗ trợ “bồ câu”, “chim sẻ” - những doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển.

Doanh nghiệp mong muốn tỉnh mở nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tạo điều kiện về đất đai để doanh nghiệp triển khai dự án sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, mới tạo được nguồn thu bền vững trong thời gian tới.

Về lâu dài, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kêu gọi đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi trong vấn đề đất đai, thủ tục hành chính... để doanh nghiệp hoạt động thì mới có thể nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

VIỆT AN (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/266312/de-nuoi-duong-nguon-thu-cho-ngan-sach.html