Để pháp luật 'là phép luật của nhân dân'

Thượng tôn pháp luật là tính chất cơ bản của nhà nước pháp quyền. Nhân dân hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không được làm oan người vô tội và phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Qua một số vụ án gần đây đặt ra yêu cầu, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ khái niệm 'công vụ, người thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ' trong áp dụng pháp luật để giải đáp những băn khoăn của dư luận; để hun đúc, củng cố niềm tin của nhân dân với pháp luật và chế độ ta.

Có phải là “Người thi hành công vụ”?

Những ngày Tết Nhâm Dần đi qua trong niềm hân hoan, đoàn tụ gia đình của nhân dân cả nước sau thời gian dài chống chọi, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động kinh tế, xã hội gần như đã trở lại trong trạng thái bình thường mới. Ở một góc nhìn nhân văn khác, nhiều người cảm nhận, xót xa về hoàn cảnh trớ trêu của những người phải chấp hành án phạt tù, không được đoàn tụ gia đình đón xuân.

Trong số đó, có lẽ nhiều người biết đến cựu chiến binh, Đại tá Bùi Duy Chân - người đi qua 2 cuộc chiến tranh với chiến tích lẫy lừng, về nghỉ hưu năm 2006, đến 2013, người lính già được dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố 7, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tháng 5.2021, ông Chân bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" vì đã “tham mưu” chia đều 9.333,3m2 đất nông nghiệp cho 103 hộ gia đình canh tác, khung hình phạt 10 - 15 năm tù giam (!?). Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho rằng ông Bùi Duy Chân không thể là chủ thể của tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”; bởi vì, ông Chân chỉ là một Tổ trưởng dân phố, có nhiệm vụ giúp việc cho Hội đồng tư vấn đất đai thị trấn, không có quyền cấp đất cho dân; ông Chân cũng không phải là cán bộ, công chức, viên chức; hành vi của ông Chân xuất phát từ nhận thức chia ruộng để người dân thuận lợi trong sản xuất. Kết thúc phiên tòa hôm 27.1.2022, ông Bùi Duy Chân bị tuyên án 3 năm tù treo!

Ở Nghệ An, một Xóm trưởng khác - ông Đinh Hữu Hạnh, xóm trưởng xóm 9, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cũng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” vì tổ chức bán đất để lấy tiền phục vụ công ích. Theo cáo trạng, sau khi thống nhất chủ trương chuyển đổi ruộng đất 5% của xã để cho thầu khoán lấy kinh phí, quá trình chuyển đổi, Tiểu ban chia ruộng của xóm 9 do ông Hạnh làm Trưởng Tiểu ban đã bán nhiều diện tích đất nông nghiệp trái thẩm quyền, gây thiệt hại cho Nhà nước. Ông Hạnh cho rằng, bán quyền sử dụng đất để lấy tiền trả chi phí hoạt động cho Tiểu ban cũng như phục vụ việc xây dựng mương thoát nước, đắp ruộng. Ông Hạnh đã bị kết án 3 năm tù giam.

Trong một số vụ án hành hung nhân viên bảo vệ bệnh viện, siêu thị như vụ ông Nguyễn Văn Hùng (Đà Lạt, tháng 4.2020); vụ ông Nguyễn Công Nguyên (Bảo Lộc, tháng 5.2021); vụ ông Hồ Hữu Nhân (Quận 7, tháng 8.2021)… đều bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 và mỗi người đã lãnh từ 6 - 9 tháng tù giam.

Có những vụ án nhân dân thấy yên lòng khi Tòa tuyên án vì pháp luật đã trừng trị những người dám đi quá giới hạn, xâm phạm quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội. Tuy vậy, cũng có những vụ án như kể trên đã để lại trong lòng nhân dân nỗi xót xa, băn khoăn: Thế nào là công vụ? Ai có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn? Ai là người đang thi hành công vụ? Tổ trưởng dân phố, xóm trưởng, bảo vệ bệnh viện, doanh nghiệp cũng là người thực thi công vụ ư? Đó là những câu hỏi thắc mắc không chỉ của dư luận mà của cả luật sư, các nhà khoa học pháp lý. Chắc các đại biểu của nhân dân cũng vậy.

Cử tri phát biểu góp ý xây dựng pháp luật

Cử tri phát biểu góp ý xây dựng pháp luật

Làm rõ “Người thi hành công vụ”

Để trả lời những câu hỏi trên, cần nhận thức đúng pháp luật về công vụ. Công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực - pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Công vụ là phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân, gắn với quyền lực nhà nước, tức quyền lực công. Các đặc trưng cơ bản của hoạt động công vụ là nhằm mục tiêu vì dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân; được sử dụng quyền lực nhà nước, quyền lực đó được trao cho tổ chức, cá nhân trong quyết định cụ thể với quyền hạn nhất định, gắn liền với nhiệm vụ được trao.

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017, Khoản 2, Điều 3, quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.

Khoản 1, Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CPquy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” cũng nêu rõ: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.

Nhà nước ta có 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Với các căn cứ pháp lý nêu trên thì những người (như Tổ trưởng, xóm trưởng) không nằm trong cơ quan nhà nước sao có thể “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ?”. Hay những người thực hiện quyền lực tư, vì mục tiêu lợi nhuận (như bảo vệ siêu thị, bệnh viện - là doanh nghiệp hoạt động công ích do Nhà nước thành lập thì vẫn nhằm lợi nhuận trong sử dụng hiệu quả nguồn lực được giao), họ không phải là người thực hiện quyền lực nhà nước - quyền lực công, sao có thể gọi là “người đang thi hành công vụ?”. Việc có ý kiến của cơ quan tố tụng cho rằng: Nhân viên siêu thị, bệnh viện là người thực hiện các “công văn” chỉ đạo chung của Nhà nước, được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chống dịch, do đó, được xem là “người thi hành công vụ” là cách hiểu sai lệch, khiên cưỡng, tạo tiền lệ “nguy hiểm” trong nhận thức, áp dụng pháp luật, trái với nguyên tắc suy đoán vô tội.

Thường xuyên giám sát thi hành pháp luật

Thượng tôn pháp luật là tính chất cơ bản của nhà nước pháp quyền. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh "Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số". Hành động có hại cho dân có thể đến từ công dân, cũng có thể đến từ tổ chức và cá nhân được trao quyền lực công nếu nhận thức và áp dụng pháp luật không chuẩn.

Nhân dân hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không được làm oan người vô tội và phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội - đó là nguyên tắc có tính nền tảng của tố tụng văn minh, của nền tư pháp công bằng và nhân đạo trong việc bảo vệ quyền con người đã được Hiến định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã nhấn mạnh rằng: Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng, quyết định đối với sự phát triển của quốc gia. Trong đó, vai trò của thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật. Chất lượng các dự án luật phải đặt lên hàng đầu. Phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật. Thường xuyên giám sát, đánh giá, tổng kết thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm bất cập, thiếu sót, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ khái niệm “công vụ, người thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” trong áp dụng pháp luậtđể giải đáp những băn khoăn của dư luận; để hun đúc, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân với pháp luật và chế độ ta.

Thạc sĩ NGUYỄN VÂN HẬU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-phap-luat-la-phep-luat-cua-nhan-dan-w4xqww4zwb-79703