Để phát triển bền vững
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, dân số nước ta năm 2018 khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) phù hợp trong thời gian qua. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh.
Ông Nguyễn Huy Phòng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, tại Tuyên Quang, công tác truyền thông về DS-KHHGĐ được xác định là giải pháp cơ bản, thường xuyên ở các cấp, các ngành, cơ quan, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Trung tâm Dân số - KHHGĐ đang triển khai đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng dân số, trong đó, tập trung mọi nỗ lực, duy trì ổn định mức giảm sinh, phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 5.086 trẻ được sinh ra, giảm 224 trẻ so với cùng kỳ 2018; trẻ em là con thứ 3 trở lên là 640 trẻ, giảm 14 trẻ so với cùng kỳ; 1.398 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Phần lớn phụ nữ khi mang thai được khám thai định kỳ, tiêm vắc xin phòng bệnh, có kiến thức cơ bản chăm sóc trẻ.
Hàng năm, Chi cục DS - KHHGĐ thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án nâng cao nhận thức cho nhân dân về chất lượng dân số; thường xuyên tăng cường chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số thôn, bản kiên trì tuyên truyền vận động đến từng cặp vợ chồng, từng gia đình về DS - KHHGĐ.
Xã Hùng Lợi có 1.591 hộ với 7.269 nhân khẩu, trong đó có trên 50% là đồng bào Mông sinh sống. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy hiệu quả của các CLB DS - KHHGĐ nên phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được chăm sóc, tư vấn sinh con, tư vấn dinh dưỡng, chất lượng dân số ngày càng nâng lên. Chị Hoàng Thị Mơ, thôn Lè nói, vợ chồng chị có 2 con gái và có ý định sinh con thứ 3. Sau khi được cán bộ, cộng tác viên dân số tư vấn những kiến thức, thấy được khó khăn, hệ lụy khi sinh con thứ 3, anh chị đã quyết định chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Nhờ đó, các con khỏe mạnh, chăm chỉ học hành, vợ chồng chị yên tâm phát triển kinh tế.
Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11-7 với chủ đề “Việt Nam - 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD Cairo, 1994)”, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Tuyên truyền lưu động, treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Dân số Thế giới với nội dung như “Kế hoạch hóa gia đình - Đầu tư nhỏ, lợi ích lớn”, “Khỏe mẹ, khỏe con, gia đình hạnh phúc”, “Thực hiện tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân vì tương lai hạnh phúc của mỗi gia đình”...
Chất lượng dân số ngày càng được nâng lên, nhưng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh còn cao: 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; kinh phí truyền thông còn hạn chế, cán bộ dân số nhiều nơi còn kiêm nhiệm... Vì vậy, thời gian tới, ngành DS - KHHGĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho những người làm công tác dân số. Đồng thời, đưa các mục tiêu của Chương trình DS - KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương, lồng ghép với chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, bình đẳng giới...