Để phát triển bền vững

Không phải đến thời điểm này khi giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp 'tạo sóng' trên thị trường khiến người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ kéo dài thì câu chuyện về nguồn nguyên liệu mới được nhắc tới. Bất cập ở chỗ, tuy là quốc gia hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng nguyên liệu cho lĩnh vực này của Việt Nam lại phụ thuộc tới 80-90% vào nước ngoài. Và khi đã phụ thuộc lớn như vậy thì rủi ro đi kèm hệ lụy khó lường, bất lợi cho người chăn nuôi là điều khó tránh khỏi.

Thiên tai khiến sản lượng nhiều loại nông sản như ngô, đậu tương… sụt giảm và dịch Covid-19 khiến không ít quốc gia phải hạn chế việc lưu thông hàng hóa nên chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Điều này làm cho giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao và các doanh nghiệp đã “đẩy” giá thành sản phẩm lên theo. Vì vậy nền kinh tế, người chăn nuôi và cả người tiêu dùng phải đối mặt với những hệ lụy không mong muốn. Thiên tai, dịch bệnh, mất mùa là những yếu tố “bất khả kháng”, nhưng nếu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam không quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chắc chắn tác động tiêu cực sẽ ít hơn.

Với một nước tỷ trọng sản xuất nông nghiệp còn lớn như Việt Nam, việc mỗi năm phải bỏ ra 3 tỷ USD để nhập khẩu ngô, đậu tương…; nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu dựa vào nguồn cung từ nước ngoài là điều rất đáng phải suy nghĩ. Thêm nữa, đây không phải vấn đề mới, việc xây dựng các vùng nguyên liệu trong nước để bớt phụ thuộc vào nhập khẩu đã được đề cập từ nhiều năm trước.

Dự báo giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp tới ngành sản xuất này, lớn hơn là nền kinh tế đất nước. Do vậy, các giải pháp chủ động ứng phó cần được xem là ưu tiên hàng đầu.

Trước hết, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp cần chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi phát triển mô hình chế biến thức ăn bằng thiết bị nghiền trộn loại nhỏ, tập trung thu mua các loại cám gạo, tận dụng các nguyên liệu thay thế làm thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào. Ở đây cũng cần đến sự chủ động của người chăn nuôi về nguồn nguyên liệu, thiết bị nghiền trộn thức ăn... Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu.

Mặt khác là tạo cơ chế thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi từ thức ăn chăn nuôi đến chuồng trại, chế biến sản phẩm chăn nuôi… Điều đó không chỉ chia sẻ rủi ro mà còn bảo đảm ổn định giá thành sản phẩm và đây cũng là hướng sản xuất kinh doanh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng một cách có hiệu quả.

Và, vấn đề cốt lõi là chủ động các giải pháp tận dụng, tăng cường nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Cùng với việc xây dựng các mô hình thâm canh ngô, đậu tương…, ngành Nông nghiệp cần tạo cơ chế phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm, phụ phẩm cho thức ăn chăn nuôi thay thế nguồn nhập khẩu. Đặc biệt, quản lý có hiệu quả thị trường thức ăn chăn nuôi nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh.

Có một nền công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên liệu, ngành chăn nuôi Việt Nam mới có thể chủ động ứng phó với những rủi ro bất thường và phát triển bền vững.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/994151/de-phat-trien-ben-vung