Để phát triển kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh cần gì?

Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số là để người dân giàu hơn. Xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn. Do vậy, chuyển đổi số là một hành trình dài đầy thách thức nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2022.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2022.

Đại diện cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cam kết đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh trên hành trình chuyển đổi số. Ông đề cập, Quốc gia đang nỗ lực xây dựng thể chế để vào năm 2025 giao dịch điện tử có giá trị pháp lý như giao dịch giấy, giao dịch trực tuyến nhanh hơn và rẻ hơn giao dịch giấy và vì thế, giao dịch trực tuyến sẽ thay thế giao dịch giấy. TP. Hồ Chí Minh hãy đi đầu và cụ thể hóa điều đó ngay vào năm 2022 – 2023.

"Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020, xác định 3 trụ cột của chuyển đổi số lần lượt là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tiếp theo đó, Chính phủ cũng lần lượt phê duyệt Chiến lược chính phủ số năm 2021, Chiến lược kinh tế số và xã hội số năm 2022. Như vậy, tầm nhìn quốc gia đã rõ ràng, kế hoạch hành động quốc gia đã cụ thể. Xét trên góc độ này, quyết tâm của Việt Nam, khát vọng của Việt Nam, sự nhanh nhạy của Việt Nam là không kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về chính quyền số, điểm đột phá nhất vẫn là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đánh giá cách làm của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua - triển khai phân tán theo từng quận, huyện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, cách làm này là hiệu quả, đưa Thành phố trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến. Nhưng để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và xa hơn nữa, là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng tương đương các thành phố dẫn đầu trong khu vực, Thành phố vẫn cần nỗ lực tìm tòi cách làm mới.

Về kinh tế số, Chiến lược quốc gia đã xác định rõ nội hàm kinh tế số Việt Nam có 3 thành phần bao gồm: (1) kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; (2) Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng và (3) Kinh tế số ngành, lĩnh vực. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá, TP. Hồ Chí Minh đủ tiềm năng để phát triển toàn diện cả 3 thành phần kinh tế số. Dư địa phát triển kinh tế số TP. Hồ Chí Minh trong ngắn hạn và trung hạn nằm ở phát triển kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành, lĩnh vực. Xét trên một góc nhìn khác, kinh tế số là mọi hoạt động kinh tế diễn ra trên nền tảng số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Phát triển kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh cần gì?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tùng)

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tùng)

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu 5 yếu tố mà TP. Hồ Chí Minh cần có để chuyển đổi số và phát triển kinh tế số thành công:

Yếu tố thứ 1 là nhân tài. Các trung tâm công nghệ lớn thường được đặt xung quanh các trung tâm giáo dục lớn về khoa học công nghệ để tận dụng nhân lực từ những cơ sở này. TP. HCM hãy xem một trong những việc đáng làm nhất để phát triển kinh tế số là thu hút nhân tài công nghệ từ khắp thế giới về khởi nghiệp, làm việc ở TPHCM bằng các cơ chế chính sách ưu đãi "thực tế" và "thực sự hấp dẫn". Đây là cách căn cơ và nhanh nhất để phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.

Yếu tố thứ 2 là doanh nghiệp số để hiện thực hóa các mô hình số. Nền kinh tế số phát triển được phải bằng việc hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế thực. Do vậy cần sử dụng chuyển đổi số như là một động lực để thúc đẩy nâng cấp các ngành truyền thống. Từ đây mới giúp thúc đẩy kinh tế số bền vững và rộng khắp.

Việt Nam có 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 1 triệu doanh nghiệp, 70 nghìn nhà máy sản xuất, 44 nghìn trường học, 14 nghìn cơ sở y tế, 3000 doanh nghiệp vận tải.

Điểm đột phá là TP. Hồ Chí Minh hãy là cái nôi của những doanh nghiệp nền tảng số xuất sắc, tìm cách phổ cập thật nhanh các nền tảng số phục vụ nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của người dân Thành phố, của người dân Việt Nam, của doanh nghiệp Thành phố, của doanh nghiệp Việt Nam.

Chiến lược quốc gia đã nêu tên 54 nền tảng số cụ thể, trong đó, năm 2022 này xác định 35 nền tảng số ưu tiên triển khai trước. TP. Hồ Chí Minh hãy lựa chọn và công bố các nền tảng số mà Thành phố lựa chọn ưu tiên triển khai trước.

Yếu tố thứ 3 là hệ sinh thái cho doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động theo cách rất khác doanh nghiệp truyền thống, ví dụ như : Cơ chế sandbox vì đại đa số mô hình kinh tế số tiềm năng đều đi trước luật và quy định; Kênh đầu tư mạo hiểm, có thể huy động và góp vốn cho start-up với các yêu cầu thoáng hơn so với các kênh huy động vốn truyền thống như ngân hàng. Hạ tầng điện, Hạ tầng mạng, hạ tầng tính toán, lưu trữ: tất cả doanh nghiệp số đều cần hạ tầng số, nên hạ tầng mạnh mới hỗ trợ được; Tinh thần, văn hóa khởi nghiệp & sự tin tưởng vào người trẻ.

Yếu tố thứ 4 là sự sẵn sàng để huy động nguồn lực vật lý vào môi trường số, bởi vì kinh tế số vẫn phải dựa vào những nguồn lực vật lý nhất định, do đó các nguồn lực vật lý sẵn có càng sẵn sàng ở dạng số hóa bao nhiêu, càng dễ dàng tạo nên kinh tế số bấy nhiêu. VD: thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những điều kiện cơ bản để thúc đẩy thương mại điện tử.

Yếu tố thứ 5 là tài sản số và lợi nhuận số được pháp luật công nhận và bảo vệ. Bởi nếu nếu tài sản số không được bảo vệ thì cũng sẽ không có kinh tế số vì các doanh nghiệp sẽ không có động lực tạo ra của cải số/lợi nhuận số nếu sau đó họ không giữ được.

Theo Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, công thức thành công của người Việt Nam là Nhỏ - Nhanh - Gần và Cơ động. Khi người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, họ thấy được lợi ích và sẽ phát triển kinh tế số và xã hội số. Mỗi người dân có cơ hội trở thành một “doanh nhân số”. Mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội trở thành một “doanh nghiệp số”. Chuyển đổi số thành công thì cần nhỏ tới mức từng người dân, từng doanh nghiệp, từng tổ chức nhỏ. Vì nhỏ nên có thể nhanh, linh hoạt. Chuyển đổi số thì cá nhanh thắng cá chậm, chứ không phải cá to nuốt cá bé.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu vấn đề quan trọng nhất là nhân lực số. Theo đó, tương lai của mỗi thành phố, mỗi quốc gia bắt đầu từ những trường học của họ. Thành phố hãy chú trọng tới chuyển đổi số các trường học, có thể bắt đầu từ trường đại học, phát triển đại học số, để trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực số hàng đầu của Đất nước và khu vực. Bắt đầu từ việc áp dụng mô hình đại học số để đào tạo các kỹ sư, cử nhân công nghệ số cho tương lai. Khi trở thành một trung tâm về nhân lực số, thì việc trở thành trung tâm về kinh tế số và xã hội số sẽ đến như là một hệ quả tất yếu.

"Chuyển đổi số không phải là thêm việc mới, mà chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới để giải quyết những vấn đề chúng ta đang gặp phải, thậm chí là để giải quyết những vấn đề mà lâu nay chúng ta chưa có cơ hội để giải quyết được", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình: Cần có cơ chế đặc biệt

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tùng)

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tùng)

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã gợi mở cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhiều hướng đi trong chính sách, cách triển khai kinh tế số.

"Chúng tôi kỳ vọng TP. Hồ Chí Minh sẽ như viên ngọc sáng lập lánh về công nghệ mới nhất; thành phố là nơi thu hút tài năng của cả nước. Muốn vậy, cần có cơ chế, xây dựng cơ chế đặc biệt để tạo thuận lợi nhất bên cạnh những giải pháp khác", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, phát biểu.

Theo ông Trương Gia Bình, nếu 25 năm trước, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam quá nhỏ bé, lĩnh vực phần mềm là một số 0 thì đến nay bức tranh đã hoàn toàn thay đổi và đánh dấu sự thành công. Tuy khoảng cách về lực lượng so với cường quốc Ấn Độ thì còn cách xa nhưng tương quan lực lượng về lập trình viên so với Nhật Bản thì không quá xa.

Việt Nam đã đứng số 2 thế giới về xuất khẩu phần mềm và đứng thứ 10 thế giới về đào tạo kỹ sư. Năng suất lao động về xuất khẩu phần mềm rất cao, những người làm game trẻ tuổi có năng suất lao động gấp 20 - 30 lần xuất khẩu phần mềm.

Việt Nam là một quốc gia quyết liệt về chuyển đổi số. Riêng TP. Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu về công nghệ thông tin của cả nước, có lực lượng nhân lực được đào tạo, là thành phố sử dụng kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước. Hoặc như Quận 7 vừa qua đã đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, vừa chống dịch Covid-19, vừa phục hồi kinh tế. TP. Hồ Chí Minh cũng đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh và được xếp 1 trong 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Từ những dẫn chứng trên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, kinh tế số có vai trò rất lớn với TP. Hồ Chí Minh trong xây dựng, kiến tạo... Để làm điều này, ông Trương Gia Bình kiến nghị, tất cả các trường đại học, cao đẳng và PTTH có thể đưa những môn khoa học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào để có nguồn nhân lực lớn nhất thế giới. Đồng thời thí điểm những đổi mới, sáng tạo ngay ở TP. Hồ Chí Minh, ở từng phường, từng quận.

Thanh Tùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-phat-trien-kinh-te-so-tp-ho-chi-minh-can-gi-180421.html