'Để phát triển nền kinh tế, thị trường vốn đóng vai trò then chốt'
Theo chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, Chính phủ mới nên phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ.
Sống và làm việc tại Việt Nam gần 30 năm, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital Dominic Scriven đã chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam qua nhiều thời kỳ.
Bắt đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chính phủ mới của Việt Nam đã có một khởi đầu đặc biệt, sau một năm 2020 chống dịch thành công, nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Bình luận với Zing, ông Scriven khẳng định trong quá trình đưa nền kinh tế Việt Nam vực dậy từ đại dịch và phát triển hơn nữa ở nhiệm kỳ mới, thị trường vốn sẽ đóng vai trò then chốt.
Lạm phát và bong bóng tài chính
- Theo ông, Chính phủ mới của Việt Nam nên làm gì để đảm bảo ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô trong khi thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng?
- Lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam đang ở mức thấp kỷ lục, tức là chi phí vay nợ không cao. Nợ công cũng giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn.
Trong khi đó, tiền ngân sách gửi tại các ngân hàng thương mại khá lớn. Các khoản thu thuế của Việt Nam trong năm 2020 bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, nhưng không nặng nề như những quốc gia khác.
Xét trên khía cạnh tiền tệ, lãi suất của Việt Nam sụt giảm nhưng lãi suất thực vẫn duy trì ở mức dương. Tại một số quốc gia khác, lãi suất thực thậm chí bằng hoặc nhỏ hơn 0.
Từ những lý do đó, tôi tin rằng Chính phủ mới của Việt Nam vẫn còn dư địa để đi vay, huy động vốn, đầu tư và hỗ trợ nền kinh tế vực dậy từ khủng hoảng.
- Chính phủ mới của Việt Nam nên làm gì để đối phó với những vấn đề như lạm phát và bong bóng tài chính khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch, thưa ông?
- Thành thực mà nói, đây là một bài toán khó. Tuy nhiên, trên thực tế, các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam không mạnh như những nền kinh tế khác. Quy mô của các gói kích thích kinh tế của những quốc gia giàu có có thể lên đến 20% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ tại Việt Nam chỉ khoảng 3%.
Do đó, các vấn đề nội tại ở Việt Nam là không đáng lo. Thay vào đó, Chính phủ mới của Việt Nam cần quan tâm đến tình hình bên ngoài. Hiện có hai luồng ý kiến xoay quanh triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, nhờ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi, sức mua trên toàn cầu đang gia tăng đáng kể. Người tiêu dùng sẽ muốn ăn hàng, du lịch, lên máy bay và chi tiêu. Tốc độ tăng trưởng GDP có thể tăng, các doanh nghiệp tăng doanh số, lợi nhuận và tuyển dụng, những hoạt động kinh tế cũng nhanh chóng trở lại như trước đại dịch. Đó là tin cực kỳ tích cực.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng thời gian qua, thế giới đã chứng kiến một màn "ảo thuật tài chính". Theo đó, chỉ một phần nhỏ khoản tiền được các chính phủ và ngân hàng trung ương bơm ra đi vào nền kinh tế thực. Số còn lại chảy vào những thị trường tài sản tài chính như hàng hóa, tiền mã hóa, chứng khoán và bất động sản.
Điều đó dẫn đến sự mất cân bằng lớn. Chẳng hạn, giá Bitcoin, giá thép, giá dầu, giá chứng khoán và tuần này là giá vàng, đang leo dốc một cách bất thường.
"Bong bóng" tài sản có thể dẫn đến rủi ro lạm phát hoặc rủi ro trên toàn hệ thống tài chính. Thêm vào đó, nếu lãi suất trái phiếu leo dốc đột ngột, các chính phủ sẽ chịu áp lực nợ lớn, trong khi những thị trường như chứng khoán và vàng cũng bị ảnh hưởng.
Nếu kịch bản này diễn ra trên thế giới, các thị trường tại Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng.
Phát triển thị trường vốn
- Theo ông, Chính phủ mới của Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy các thị trường vốn, trái phiếu, từ đó thúc đẩy nền kinh tế?
- Thị trường vốn có chức năng then chốt đối với một nền kinh tế đang phát triển. So với một số quốc gia khác, Việt Nam đang làm tốt trong việc phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp), thị trường chứng khoán phái sinh.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn nữa. Các ngân hàng thương mại gặp giới hạn đối với những khoản vay trung và dài hạn. Trong khi đó, doanh nghiệp cần các khoản vay này để đủ thời gian phát triển và có lãi. Việc đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giải quyết bài toán này.
Các ngân hàng thương mại gặp giới hạn đối với những khoản vay trung và dài hạn. Trong khi đó, doanh nghiệp cần các khoản vay này để đủ thời gian phát triển và có lãi. Việc đẩy mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giải quyết bài toán này
Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Dominic Scriven
Các lãnh đạo mới của Việt Nam cũng nên hỗ trợ sự ra đời và phát triển của những nhà đầu tư tổ chức. Chẳng hạn, chủ tịch một công ty niêm yết có nhu cầu về vốn có thể nắm giữ 10% cổ phần, huy động 20-30% từ người thân, bạn bè, đối tác. Nhưng các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm hơn 50% cổ phần.
Tuy nhiên, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân khá khó khăn. Trong khi đó, tại những quốc gia khác, doanh nghiệp có thể huy động 30-40% từ nhà đầu tư tổ chức như các công ty mạo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chuyên đầu tư tài chính.
Còn về hệ thống ngân hàng, các nhà băng có thể đẩy mạnh chứng khoán hóa những khoản vay. Chẳng hạn, một ngân hàng thương mại tài trợ cho khách hàng mua nhà ở, khách hàng có nghĩa vụ trả tiền hàng tháng, hàng quý trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên, ngân hàng thương mại có thể chứng khoán hóa khoản phải thu trong vòng 10 năm đó và bán lại cho một nhà tài trợ khác trên thị trường. Cách làm này cũng góp phần quản trị chênh lệch giữa ngắn hạn và dài hạn của hệ thống ngân hàng.
- Các cơ quan quản lý cần làm gì để đối phó với những lỗ hổng, đề phòng lừa đảo và các hành vi phạm pháp khi thị trường vốn phát triển mạnh, thưa ông?
- Một khi thị trường vốn phát triển mạnh, các cơ quan quản lý cần yêu cầu những chủ thể trên thị trường tuân thủ quy định, công khai các thông tin cần thiết cũng như có những biện pháp quản trị rủi ro về hệ thống.
Chẳng hạn, trong trường hợp của quỹ đầu tư Mỹ Archegos mới vỡ nợ gần đây, lỗ hổng không chỉ ở quỹ đó mà còn nằm tại các ngân hàng tài trợ. Họ thiếu văn hóa quản trị rủi ro, từ đó dẫn đến khoản lỗ lớn. Bằng chứng là giám đốc rủi ro của ngân hàng Credit Suisse, một trong những bên cho vay của Archegos, đã phải từ chức.
- Theo một số chuyên gia, Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo hệ thống điều hành phát đi tín hiệu chính sách tài chính của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
- Mô hình của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giúp ích cho thị trường nhờ làm giảm tính khó đoán trên thị trường. Các nhà đầu tư không thích sự bất ngờ. Trong khi đó, nếu muốn một thị trường phát triển tốt, chúng ta cần nuôi dưỡng thị trường, tạo ra một môi trường thuận lợi, đầy đủ thông tin, dự báo, tránh bị lung lay bởi những tin đồn.
Đẩy mạnh kinh tế số
- Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên những gì nhằm vực dậy nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19?
- Năm ngoái, việc ngăn chặn virus vào cộng đồng là thách thức lớn nhất của Việt Nam. Năm nay, Chính phủ mới của Việt Nam cần trả lời câu hỏi làm sao để sống chung với virus. Muốn phục hồi, cần mở cửa. Muốn mở cửa, cần tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Chẳng hạn, Thái Lan đã ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng ở những khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng bởi virus trong quá trình tái mở cửa. Quốc gia này đang triển khai chương trình tiêm vaccine cho tất cả cư dân đảo Phuket để đảo này có thể mở cửa trở lại.
Việc huy động các nguồn lực bên ngoài nhà nước cũng rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế. Thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Trong vòng 10 năm qua, những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất là doanh nghiệp tư nhân. Có đến 700.000 công ty trong nước, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chưa tính đến 15.000 hợp tác xã.
Số hóa là một con đường không dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian, cần đến sự học hỏi và sẵn sàng đánh đổi tiền bạc
Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Dominic Scriven
Chủ trương phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân đã được Chính phủ đặt ra một vài năm trước.
Đó là một bài toán lớn và thú vị, cần phải tiếp cận từ nhiều hướng. Các lãnh đạo mới của Việt Nam nên đưa ra những gói chính sách, chương trình và thực hiện từng bước để phát huy tiềm năng to lớn của thành phần kinh tế này.
Kinh tế số cũng là một trong những định hướng quan trọng của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ mới. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu rất thuyết phục về quá trình phát triển của Việt Nam từ 2G, 3G, 4G lên 5G. Đất nước đang làm chủ công nghệ, nhưng số hóa cả một nền kinh tế là bài toán rất lớn.
Thụy Điển và Trung Quốc là hai trong số những quốc gia thành công trong việc đẩy mạnh số hóa kinh tế. Tuy nhiên, không ít quốc gia trên thế giới vẫn gặp nhiều trở ngại.
Để phát triển nền kinh tế số, chúng ta cần các tài năng và một môi trường thuận lợi để họ có thể tiếp cận vốn và đối tác một cách dễ dàng. Chính phủ mới của Việt Nam nên cởi mở về mặt chính sách và quy định nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện những sáng kiến mới.
Tại Việt Nam, đa phần doanh nghiệp đã bắt đầu quá trình số hóa. Tuy nhiên, đây là một con đường không dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian, cần đến sự học hỏi và sẵn sàng đánh đổi tiền bạc.