Để phát triển nông nghiệp sạch bền vững
Hiện nay, diện tích lúa, trái cây, rau màu, thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp sạch (GAP) vẫn còn khiêm tốn. Để phát triển nông nghiệp sạch bền vững, tỉnh triển khai rất nhiều mô hình thực nghiệm ở quy mô nhỏ thành công, mang lại hiệu quả đáng kể.
Nhiều mô hình hiệu quả
Đến nay, tỉnh xây dựng 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), trong đó vùng lúa 15.075ha, vùng trồng rau chuyên canh 1.476ha, vùng trồng thanh long 2.077ha. Với nhiều mô hình sản xuất theo GAP thành công, nâng cao giá trị hàng hóa, nông dân có lãi hơn 20% so với trồng theo cách truyền thống. Đồng thời, trong vùng sản xuất ƯDCNC đã thành lập và củng cố được 43 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 151 tổ hợp tác (THT), trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt 16 HTX điểm, bao gồm 4 HTX điểm điển hình ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với cây lúa, tỉnh xây dựng được 45 mô hình sản xuất lúa với diện tích 2.844ha ƯDCNC trong sản xuất và củng cố 21 HTX, 33 THT trong vùng Đề án sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Tham gia mô hình, nông dân sử dụng giống xác nhận, sạ thưa với lượng giống 120kg/ha và áp dụng các giải pháp kỹ thuật như bón phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm nấm xanh, thực hiện theo quy trình “1 phải, 5 giảm” và giảm được chi phí sản xuất ước khoảng 1,5-2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống cá biệt có hộ lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 6-8 triệu đồng/ha. Đối với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, nông dân sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học, năng suất đạt từ 3,5-3,9 tấn/ha, lợi nhuận đạt 17 triệu đồng/ha và được công ty bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, qua các mô hình điểm, nhiều nông dân tự áp dụng một phần nội dung triển khai mô hình (như áp dụng máy cấy trong sản xuất, ứng dụng bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học,...) với diện tích trên 3.200ha.
Trên cây rau, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, sâu, bệnh ít hơn, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm công lao động, tăng năng suất từ 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2/vụ so với trồng theo phương pháp truyền thống. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cần Đước có nhiều mô hình sản xuất theo GAP thành công. HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê) được đánh giá thành công khi áp dụng quy trình sản xuất cây rau theo tiêu chuẩn VietGAP và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Giám đốc HTX - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Nông dân tưới nước cho rau bằng thiết bị di động. Sử dụng thiết bị này, dù ở bất kỳ địa điểm nào cũng có thể điều khiển hệ thống tưới nước cho rau. Sản xuất rau ƯDCNC, nông dân tiết kiệm chi phí từ 1,5-2 triệu đồng/1.000m2/vụ, lợi nhuận cao hơn 2-3 triệu đồng/1.000m2/vụ, đạt 70 triệu đồng/1.000m2/năm. Ngoài ra, so với trồng rau truyền thống, mô hình sản xuất rau ƯDCNC ít sâu, bệnh hơn, vì vậy số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể”.
Trên cây thanh long, nhiều nông dân trong vùng chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học và bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,...Kết quả mô hình cho thấy, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được công lao động, điện năng, lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thụ phân bón nên có lợi nhuận tăng hơn với ngoài mô hình. Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An cho biết: “Khi mới thành lập, HTX chủ yếu xuất hàng sang Trung Quốc. Hiện nay, sau khi được công nhận nhãn hiệu hàng hóa có uy tín và chất lượng sản phẩm sạch, HTX được khách hàng nhiều nước tìm đến và mua sản phẩm: Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Nhật, Mỹ,... Qua đó cho thấy, nông dân sản xuất nông nghiệp sạch rất cần thiết, mô hình cần được nhân rộng để ổn định đầu ra và xuất khẩu sang thị trường thế giới”.
Để phát triển bền vững
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để tiến tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng GAP nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉnh hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế sản phẩm theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ một phần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP. Đồng thời, tỉnh xác định các mặt hàng chủ lực, đó là cây lúa, thanh long, chanh, rau,... Các mặt hàng chủ lực này sẽ dần tiến tới sản xuất đồng loạt theo quy trình GAP nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải làm sao để các doanh nghiệp chia sẻ quyền lợi với nông dân. Địa phương phải tổ chức lại sản xuất (thành lập THT, HTX), sau đó liên kết các HTX và gắn kết doanh nghiệp để lo đầu ra, tốt nhất là gom về một mối theo từng vùng, từng cây. Nhà nước vào cuộc hỗ trợ và giám sát. Có như vậy, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP mới thật sự bền vững.
“Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ƯDCNC, thời gian tới, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện công tác quy hoạch ngành nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên xác định được đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, địa điểm, loại công nghệ áp dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH của từng vùng, từng địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng; rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC nhằm bảo đảm việc vận chuyển máy móc, hàng hóa được thuận lợi; hỗ trợ vốn vay mua máy móc, vật tư ƯDCNC thông qua nhu cầu của HTX.
Triển khai hiệu quả mô hình phát triển nông nghiệp ƯDCNC nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, có nhiều sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng các mô hình tốt, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức giao dịch thanh toán, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác. Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng địa phương gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng” - bà Khanh cho biết thêm./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/de-phat-trien-nong-nghiep-sach-ben-vung-a84066.html