Để phim tài liệu Việt Nam phát triển: Cần có chiến lược đầu tư dài hơi

Nhờ đa dạng đề tài, đổi mới cách thể hiện, cùng nhiệt huyết của người làm nghề, phim tài liệu Việt Nam ngày càng gia tăng sức hút. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tạo sự chuyển mình mạnh mẽ cho thể loại này, cần hơn nữa những chiến lược đầu tư dài hơi và các cơ chế chính sách khuyến khích để tạo thêm động lực cho các nhà làm phim, đặc biệt các nhà làm phim trẻ độc lập.

Phim tài liệu ngày càng đến gần hơn với khán giả

Lâu nay, phim tài liệu thường vấp phải những định kiến như: khô khan, kén người xem, và… phải chiếu miễn phí. Nhưng, trong thời gian gần đây, phim tài liệu ở Việt Nam đang có xu hướng nở rộ, không chỉ về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên.

Hình ảnh trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương

Hình ảnh trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương NSƯT Trịnh Quang Tùng cho biết: "Ngay từ khi ra đời, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống văn hóa tinh thần của con người. Thực tế sáng tác cho thấy, nhiều vấn đề xã hội, nhiều sự kiện, nhiều hình thức thể hiện, chỉ có phim tài liệu mới làm được, mới nói được và nói có sức thuyết phục, tạo ấn tượng, đồng thời mang đến nhận thức sâu sắc cho người xem. Sức mạnh đó đôi khi không có ở các thể loại phim khác. Bên cạnh đó, phim tài liệu có một chức năng rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam một cách chân thật nhất đến với bạn bè quốc tế. Qua những thước phim tài liệu có thể giúp công chúng nước ngoài hiểu rõ hơn về con người và các vấn đề xã hội ở Việt Nam. Đây là một lợi thế khiến phim tài liệu luôn có vị trí riêng trong nền điện ảnh".

Cũng theo NSƯT Trịnh Quang Tùng, ở nước ta hiện nay, phim tài liệu cũng đã xác lập được vị trí của mình. Nếu như trong quá khứ, có nhiều phim tài liệu giá trị và hấp dẫn không chỉ được khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế biết đến, như "Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai", "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"... thì hiện nay, phim tài liệu ở Việt Nam đang có xu hướng nở rộ với nhiều bộ phim hấp dẫn của các đạo diễn trẻ đều được trong nước và quốc tế đánh giá cao. Điển hình có thể kể đến bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm, bộ phim đã rất xuất sắc khi giành được hàng chục giải tại các liên hoan phim quốc tế.

Hình ảnh trong phim tài liệu "Ngọn lửa Đào Tấn"

Hình ảnh trong phim tài liệu "Ngọn lửa Đào Tấn"

"Phải công nhận rằng, hiện nay, Việt Nam đang có một đội ngũ nhà làm phim tài liệu sung sức, biết kế thừa, phát huy các thành tựu thế hệ đi trước đã làm được. Họ là một thế hệ làm phim được đào tạo bài bản, ngày càng tiếp cận gần hơn với trình độ làm phim tài liệu hiện đại của thế giới. Họ chịu khó dấn thân vào nhiều đề tài khó, gai góc và họ cũng đã đổi mới cách kể chuyện cho bộ phim. Thay vì trước đây phim tài liệu Việt chủ yếu sử dụng lời bình, thì nay với sự học hỏi từ các nước trên thế giới, các nhà làm phim đã sử dụng lời của nhân vật để kể chuyện nhiều hơn, để bộ phim tự nói lên nội dung cần truyền tải. Nhờ vậy tiếng nói của họ thường nhận được sự đồng cảm của khán giả, qua đó, giúp cho phim tài liệu Việt Nam ngày càng phát triển và được quốc tế đánh giá cao" – NSƯT Trịnh Quang Tùng nói.

Cùng với đó, sự ủng hộ ngày càng nhiều của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ cũng góp phần làm cho phim tài liệu Việt ngày càng nở rộ, NSƯT Trịnh Quang Tùng cho biết: "Từ lâu chúng ta đã có suy nghĩ rằng phim tài liệu kén khán giả, rằng đối tượng xem phim tài liệu đa phần là người có tuổi, nhưng bây giờ đã rất khác rồi. Quan sát thực tế từ mỗi kỳ Liên hoan phim Tài liệu sẽ thấy, giờ đây, đối tượng đến xem phim tài liệu ngày càng đa dạng hơn, đặc biệt sự xuất hiện đông đảo của các đối tượng khán giả trẻ. Nhiều bạn trẻ thích xem phim tài liệu, bởi có lẽ ở đó, họ tìm thấy sự chân thật và gần gũi với đời sống. Đó là tín hiệu đáng mừng và là nguồn động viên rất lớn đối với những người làm phim tài liệu".

Vẫn cần có chiến lược đầu tư dài hơi để phát triển bền vững

Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù có đội ngũ trẻ kế cận, có sự đón nhận tích cực của khán giả, thì hiện nay, phim tài liệu Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong hành trình phát triển.

Hình ảnh phim tài liệu Đồng vọng bài chòi

Hình ảnh phim tài liệu Đồng vọng bài chòi

NSƯT Trịnh Quang Tùng cho biết: "Một trong những điều khó khăn nhất để phát triển phim tài liệu đó chính tìm đầu ra cho các bộ phim, đây là điều khó khăn chung cho cả các nhà làm phim trong Nhà nước lẫn các nhà làm phim độc lập. Bởi, phim tài liệu chúng ta chủ yếu là nhằm mục đích tuyên truyền nên ít thu lại tiền quảng cáo, tiền vé như các phim truyền hình hay điện ảnh, chính vì vậy, việc được chiếu phim tại các rạp hay trên truyền hình cũng là bài toán đau đầu cho cả các hãng phim Nhà nước và các nhà làm phim độc lập hiện nay.

Ngoài ra, chúng ta vẫn đang thiếu những chiến lược đầu tư dài hơi cho các bộ phim này. Thực tế cho thấy rằng, để tạo nên một tác phẩm phim tài liệu hay, đạt chất lượng cao, hấp dẫn công chúng thì các nhà làm phim tài liệu phải "ăn dầm nằm dề" tại hiện trường, hay đi theo nhân vật hàng năm trời để lột tả hết sự tự nhiên, chân thực của tác phẩm. Sự đầu tư về công sức không hề nhỏ để tạo ra sản phẩm chất lượng. Hơn nữa, thực hiện một bộ phim tài liệu không chỉ đòi hỏi về thời gian, công sức mà vấn đề lớn nhất chính là kinh phí sản xuất. Yếu tố đầu tư rất quan trọng".

"Nước ngoài thường làm phim vài năm còn Việt Nam chúng ta chỉ thực hiện trong vài tháng hoặc dài nhất là 1 năm. Chúng ta phải làm phim theo kế hoạch của Nhà nước còn họ làm theo yêu cầu của nhà đầu tư. Họ đi nhiều nơi, tiếp cận lâu để hoàn thành dự án dài như vậy. Còn chúng ta vừa bị thời gian bó buộc, vừa bị hạn chế bởi kinh phí nên ảnh hưởng đến chất lượng phim" – NSƯT Trịnh Quang Tùng nói.

Hình ảnh trong phim tài liệu Đi về phía mặt trời

Hình ảnh trong phim tài liệu Đi về phía mặt trời

Qua đó, để tạo được sự chuyển mình mạnh mẽ cho thể loại này, đóng góp tích cực cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, NSƯT Trịnh Quang Tùng cho rằng: "Cần có chiến lược đầu tư dài hơi và có thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà làm phim. Đặc biệt, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến các nhà làm phim độc lập, các nhà làm phim trẻ, khi họ có những đề tài hay, hấp dẫn thì chúng ta cần phải đầu tư cho họ. Bên cạnh đó, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn cũng cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, lắng nghe những ý kiến của các nhà làm phim để tạo ra những định hướng, chiến lược phát triển phim tài liệu một cách hiệu quả và bền vững"

Cùng với đó, việc hỗ trợ phát hành trên hệ thống rạp, quảng bá, giới thiệu phim, đặc biệt với những nhà làm phim tài liệu độc lập... cũng là những yếu tố quan trọng. Với phim tài liệu có chất lượng, Nhà nước cần có chính sách "đỡ đầu" về phát hành, hỗ trợ để phim đến với khán giả trong nước qua hệ thống chiếu rạp hoặc phát sóng trên các kênh truyền hình"./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-phim-tai-lieu-viet-nam-phat-trien-can-co-chien-luoc-dau-tu-dai-hoi-20240927092653777.htm