Để phố đi bộ không chỉ để đi bộ
UBND quận 1 đề xuất UBND TP.HCM đưa tuyến đường Lê Lợi thành phố đi bộ.
Tuyến này sẽ kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ và các trục đường Đồng Khởi, Hàm Nghi… tạo thành một quảng trường đi bộ. Chưa kể, sau này đường Tôn Đức Thắng dọc Công viên bến Bạch Đằng cũng được quy hoạch trở thành phố đi bộ để phục vụ người dân và du khách.
Khi đó, vào trung tâm TP.HCM, quang cảnh người người tản bộ, trò chuyện, ngắm cảnh sông nước Sài Gòn, nghỉ ngơi, thư giãn, tạo nên không gian yên bình giữa một TP sôi động bậc nhất nước.
Điều này là không mới so với các nước, thậm chí có những TP như London (Anh), đi bộ trở thành nét văn hóa của người dân nơi đây. Mọi người đi bộ ngắm các công trình nổi tiếng như tháp đồng hồ Big Ben hay tản bộ dọc dòng sông Thames nổi tiếng… Có người đi làm bằng cách tản bộ, có người đi bộ để trò chuyện với nhau nhiều hơn. Thậm chí các vỉa hè nơi đây cũng được thiết kế đặc biệt, khi bạn đi bộ ngang qua sẽ tạo ra năng lượng phát sáng các bóng đèn đêm nhấp nháy.
Quận 1 cũng đang đề xuất phố đi bộ Lê Lợi giống mô hình của London, cũng có nghĩa là phố đi bộ không chỉ để đi bộ, nó còn phải được khuyến khích tạo thành nét văn hóa, kết nối khu trung tâm thương mại ngầm trước chợ Bến Thành, tạo thành trục kinh tế đêm. Con phố này sẽ kết nối bến Bạch Đằng với nhiều công trình lịch sử, tạo thành điểm tham quan du lịch văn hóa; kết nối đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi với nhiều công trình nổi tiếng như trụ sở UBND TP.HCM, nhà hát - Bưu điện TP tạo thành một điểm nhấn khiến nhiều người nhớ đến TP.
Ở một số TP lớn, rất nhiều người tin rằng những người bộ hành là để kể các câu chuyện của TP. Như bạn sẽ chia sẻ về nét đặc trưng văn hóa, lịch sử của TP.HCM trong câu chuyện của mình cho bạn bè, du khách khi tản bộ ngang bến Bạch Đằng, ngang chợ Bến Thành, hay đang ngắm nhìn sông Sài Gòn.
Tất nhiên, để trở thành một nét văn hóa, hay chí ít là một thói quen tốt, TP.HCM còn cần làm rất nhiều vấn đề như về câu chuyện quản lý, quy hoạch, tổ chức giao thông như thế nào, xử phạt ra sao…
Nói như PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), để làm được điều này thì cần các sở, ngành chức năng phải tham gia một cách tích cực trong việc hình thành các khu phố đi bộ. Như Sở Xây dựng cần làm các công trình tiểu cảnh, cây xanh, nơi dừng nghỉ chân; Sở GTVT lo vấn đề giao thông, chỗ gửi xe; Sở QH-KT tính toán kết nối các đường đi bộ, trung tâm thương mại ngầm; hay Sở Du lịch lo về các trải nghiệm của khách…
Thử thả mình tản bộ dọc Công viên bến Bạch Đằng, nhìn sông Sài Gòn chảy vào buổi chiều tan tầm đầy khói bụi ở TP.HCM sẽ thấy được cảm giác mình thuộc về TP này nhiều hơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-pho-di-bo-khong-chi-de-di-bo-post696207.html