Đề phòng Nga trục vớt trộm xác F-35B, Mỹ và Anh phong tỏa vùng biển nơi máy bay rơi
Bộ Quốc phòng Anh xác nhận một máy bay chiến đấu F-35B cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã bị rơi xuống Địa Trung Hải. Các biện pháp an ninh nghiêm cẩn đã được áp dụng tại khu vực máy bay rơi.
Một nguồn tin giấu tên của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết hiện vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của chiếc máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B Lightning, nhưng cho biết chiếc tiêm kích này đã rơi xuống biển lúc 10h sáng giờ GMT ngày 17/11 ngay sau khi cất cánh từ tàu sân bay, hai phi công đã kịp nhảy dù và được cứu về tàu.
Đây là chiếc máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-35B Lightning thứ 3 bị rơi trên phạm vi toàn cầu cho đến nay, Không quân Anh đã mở cuộc điều tra và hãng Lockheed Martin nơi chế tạo nó cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ.
Chiếc F-35B lao xuống biển xác định thuộc biên chế Không quân Anh. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang tất cả 18 chiếc F-35B, trong đó 8 chiếc thuộc Phi đội 617 của Không quân Hoàng gia Anh, và 10 chiếc khác thuộc Phi đội 211 "Wake Island Avengers" của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ.
Vị trí chiếc F-35B bị rơi (Ảnh: Sohu).
Nếu đúng là chiếc F-35B rơi xuống biển vì hỏng động cơ như một nguồn tin tiết lộ, nhiều khả năng đã gián tiếp xác nhận khiếu nại của Bộ Quốc phòng Anh về chi phí bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-35 quá cao đã chiếm dụng quá nhiều nhân lực và kinh phí, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ thích hợp của loại máy bay này.
Tuy nhiên, vào lúc này, vấn đề quan trọng nhất không phải là điều tra nguyên nhân vụ tai nạn mà là ngăn không để chiếc F-35B này rơi vào tay người Nga hoặc nước khác. Quân đội Mỹ và Anh đang thành lập một đội trục vớt chung, huy động các thợ lặn chuyên nghiệp và tàu ngầm loại nhỏ để cố gắng trục vớt sớm nhất có thể xác chiếc F-35B này. Lực lượng đặc nhiệm cũng được điều động tới khu vực chiếc máy bay rơi để đảm bảo an ninh.
Các máy bay F-35B trên tàu HMS Queen Elizabeth (Ảnh: Sohu).
Sở dĩ quân đội Mỹ và Anh lo lắng như vậy là do chiếc máy bay chiến đấu F-35B đã rơi xuống khu vực biển thuộc vùng biển quốc tế, ở khu vực tây bắc của cực bắc kênh đào Suez, và cách đó không xa là cảng Tatus của Syria, nơi hiện là căn cứ của Hải đội Địa Trung Hải của Hải quân Nga. Cả Mỹ và Anh đều lo ngại Nga sẽ cử các tàu ngầm đặc chủng của họ tới ra tay trước để có được các thiết bị liên quan trên chiếc máy bay chiến đấu F-35B trước Mỹ và Anh, đặc biệt là radar và hệ thống điện tử hàng không, nhằm tìm ra nhiều điểm yếu hơn trên chiếc máy bay chiến đấu F-35B hiện đại.
Thậm chí, một số người có liên quan còn đồn đoán rằng Hải quân Nga rất có thể đã bắt đầu ra tay. Xét về khả năng trục vớt dưới đáy biển sâu, người Nga tỏ ra không hề thua kém phương Tây là bao, Nga có các tàu ngầm siêu nhỏ trang bị cánh tay robot có thể được chở bằng tàu ngầm hạt nhân đã được hoán cải. Trước đó, đã có chuyên gia suy đoán rằng Nga có thể đã sử dụng các tàu ngầm này để “động tay” vào tuyến cáp quang biển xuyên Đại Tây Dương nối châu Âu và Bắc Mỹ, thông qua việc làm gián đoạn đường truyền tài chính, để gây ra những biến động lớn cho nền kinh tế phương Tây.
Tàu ngầm NR-1 của Mỹ trục vớt chiếc F-14 Tomcat năm 1974 (Ảnh: Sohu).
Hiện tại, vẫn chưa có đầy đủ thông tin về hoạt động trục vớt chung giữa Mỹ và Anh, nhưng một điều đã được khẳng định là Mỹ và Anh đã phong tỏa chặt chẽ khu vực máy bay rơi, bao gồm cả mặt biển và dưới nước, cố gắng hết sức để không cho Nga một cơ hội có thể lợi dụng.
Trên thực tế, một sự cố tương tự đã xảy ra khi loại máy bay chiến đấu F-14 Tomcat "cánh cụp cánh xòe" mới được trang bị lần đầu. Ngày 14 /9/1976, tàu sân bay USS John Kennedy tham gia cuộc tập trận quân sự trên biển "Hợp tác 76" tại vùng biển cách Vịnh Scarpa ở Scotland khoảng 160 km về phía tây bắc, một chiếc F-14A Tomcat đã bị rơi xuống biển ở độ sâu 560m cùng 4 tên lửa không đối không tầm xa loại mới. Khi đó, Hải quân Mỹ cũng dùng hết sức phong tỏa khu vực biển liên quan, cuối cùng đã trục vớt được chiếc F-14 bị rơi xuống biển, tránh được việc loại radar AN/APG-9 và tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix khỏi rơi vào tay người Liên Xô. Vào thời điểm đó, Mỹ phát hiện có một tàu trục vớt biển sâu của Hải quân Liên Xô đang hoạt động gần đó. Sau khi Mỹ trục vớt được xác chiếc F-14 Tomcat cũng đã xác nhận Hải quân Liên Xô đã nỗ lực ra tay trước nhưng không thành công.
Xác chiếc F-14 Tomcat được đưa lên tàu Mỹ hồi năm 1974 (Ảnh: Sohu).
Hồi đầu tháng 11, Anh vừa nhận thêm 3 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 với giá 100 triệu bảng Anh (135 triệu USD) mỗi chiếc.
Hiện đội bay của Anh có tổng số 24 chiếc máy bay F-35. Chính phủ Anh đã đặt hàng thêm 6 chiếc F-35, dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2022 và thêm 7 chiếc vào năm 2023. Mục tiêu của Bộ Quốc phòng Anh là sẽ có 48 chiếc F-35 hoạt động vào năm 2025.