Đề phòng nguy cơ đột quỵ khi trời trở lạnh sâu

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với những biến chứng nghiêm trọng như nói khó, yếu tay – chân, sa sút trí tuệ, hoặc liệt hoàn toàn nửa người, viêm phổi…. thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kip thời.

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ khi trời trở lạnh

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm đến 50%.

"Cứ 4 người trên 25 tuổi thì sẽ có một người từng trải qua đột quỵ ít nhất một lần trong đời. Chỉ riêng năm 2023, toàn cầu ghi nhận 12,2 triệu người mắc đột quỵ mới và có tới 101 triệu người đang sống chung với di chứng do đột quỵ", đây là những con số đáng báo động về tình trạng đột quỵ được TS.BS Nguyễn Thế Anh, Trưởng đơn nguyên Đột quỵ (Bệnh viện Thanh Nhàn) thông tin tại Chương trình tổng kết công tác Hội và Hội nghị khoa học năm 2024 của Hội Nội khoa thành phố Hà Nội.

Còn theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay tỷ lệ đột quỵ mới mắc ở Việt Nam là cao nhất thế giới, trên 200.000 ca đột quỵ một năm. Đồng thời tỷ lệ tử vong của đột quỵ ở Việt Nam hiện nay cũng còn cao, đặc biệt là tỉ lệ tàn tật do đột quỵ.

Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh của miền Bắc, cao điểm mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 50 - 55 người bệnh bị đột quỵ, trong số đó khoảng 8% là người trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết chuyển rét sâu tại miền Bắc là nguy cơ khiến số lượng bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng.

Nhận biết dấu hiệu đột quỵ là vô cùng quan trọng

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên (Bệnh viện E Hà Nội) cho biết, đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với những biến chứng nghiêm trọng như nói khó, yếu tay – chân, sa sút trí tuệ, hoặc liệt hoàn toàn nửa người, viêm phổi…. thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kip thời.

Vì vậy, khi gặp các triệu chứng của đột quỵ như: miệng méo, vận động yếu và khó cử động tay chân, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, giao tiếp khó khăn… dù chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn, cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn.

Điều trị cho bệnh nhân mắc đột quỵ tại Bệnh viện E Hà Nội. Ảnh: BVCC.

Điều trị cho bệnh nhân mắc đột quỵ tại Bệnh viện E Hà Nội. Ảnh: BVCC.

"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên). Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.

Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong khi đó, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát đột quỵ nghiêm trọng trước khoảng vài giờ hoặc một ngày, một tuần.

Những dấu hiệu trước khi đột quỵ hay dấu hiệu cảnh báo đột quỵ này có thể xảy ra duy nhất một lần hoặc lặp lại nhiều lần với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thời điểm khởi phát đột quỵ sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thường khó được xác định chính xác.

Tuy nhiên, theo BS Yên, các biểu hiện trước khi đột quỵ thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với vấn đề sức khỏe thông thường khiến nhiều người chủ quan bỏ qua cơ hội được cứu chữa. Nhận biết trước các dấu hiệu đột quỵ là cơ hội giúp chủ động đưa người bệnh đi khám, cứu sống và bảo toàn tối đa chức năng thần kinh và tính mạng của người bệnh.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-phong-nguy-co-dot-quy-khi-troi-tro-lanh-sau-10296557.html